Thoạt đầu, tựa đề cuốn sách có thể gợi mở về một chủ đề triết học hoặc truyền tải giá trị việc đọc sách. Thế giới là một cuốn sách mở là tập hợp loạt cuộc phỏng vấn của nhà văn Levai Balazs (Hungrary) với các nhà văn nổi tiếng thế giới đương đại như Toni Morrison, Mario Vargas Llosa, Jose Saramago, Milan Kundera, Ian McEwan, Michael Ondaatje, Gunter Grass, Andrei Makine, Haruki Murakami, Orhan Pamuk, Paul Auster, V. S. Naipaul… thông qua chương trình phỏng vấn của đài truyền hình Hung, phát triển từ phiên bản The Big Read của đài BBC, Anh.
Cuốn sách, cũng như loạt phóng sự phỏng vấn là một nỗ lực đáng kinh ngạc của Levai Balazs và ekip của ông trong nhiều năm. Sau thành công của loạt chương trình, hai cuốn sách đã được in (in năm 2004 và 2008, với tổng số 25 nhà văn), và không ngoa khi nói rằng, cuốn sách này đã truyền cảm hứng đọc không ít người trên toàn thế giới, cách mà cuốn sách tiếp cận đã thực sự mở ra một niềm đam mê văn chương mãnh liệt. Bạn sẽ thấy một cấu trúc theo một trật tự được sắp đặt ở mỗi bài đều rất chỉn chu, ngay ngắn: Đoạn mở đầu là sơ lược kỷ niệm mà Balazs và đài truyền hình Hung đã gặp nhà văn, phần tiếp theo là bài phỏng vấn, và cuối cùng, là thủ bút bằng chính nét chữ của nhà văn
Việc tìm kiếm, thuyết phục và trao đổi với các nhà văn lớn không còn là địa hạt duy nhất của phóng viên, những người thực hiện chương trình này, nếu họ không thực sự là người đọc. Khi xuất hiện, Thế giới là một cuốn sách mở đã tạo ra làn sóng ngạc nhiên trên toàn cầu. (1) Hiếm ai ngờ rằng tại một quốc gia có dân số khiêm tốn như Hungary, đài truyền hình quốc gia lại đầu tư lớn về lĩnh vực văn chương như vậy, và họ không khỏi thú vị vì quốc gia tiếp giáp với Slovakia lại có sức trọng lớn về việc đọc. (2) Sự ngạc nhiên này, cũng bao hàm cả về quy mô và những tên tuổi mà Balazs và cộng sự của anh đã thuyết phục được, vì có rất nhiều cái tên trong loạt phỏng vấn đã khiến cho không ít nhà báo phải bỏ cuộc, hoặc được biết là người không muốn gần gũi với truyền thông. (3) Những bài phỏng vấn trong cuốn sách này, chúng ta sẽ không còn nhận thấy lằn ranh giữa một thể loại phỏng vấn thông thường, mà ở đó, người hỏi và nhân vật thực sự đã có cuộc tri giao về văn chương, như khi Umberto Eco đã tâm sự “Người đọc của tôi phải là một chiến lược gia văn chương”, và nhà văn khi họ đặt bút xuống tác phẩm của họ, thì độc giả đã được hình thành. Vì thế, nếu không đọc, hoặc khước từ việc đọc nghiêm túc, thì họ không thể ngồi cùng nhau. Phía sau chiếc bàn sáng tác, người viết có cả một hành trình thăm thẳm, từ việc trưởng thành từ chiến tranh, cho đến áp lực về chính trị… nếu người hỏi chỉ cần chệch đi vài nhịp, thì bài phỏng vấn sẽ mau chóng chuyển sang thành màn tâm sự khai thác chuyện hậu trường. Nhờ cách đặt câu hỏi thông minh, xen lẫn chút hài hước, Levai Balazs đã điều khiển được cuộc chuyện trò văn chương trở nên sống động, từng bước khai thác cảm hứng sáng tác của nhà văn, và cuối cùng họ cùng nhau trở về với chính tác phẩm.
Trong quá trình thực hiện các cuộc phỏng vấn thực tế và trực tiếp với các nhà văn, qua các chuyến đi đến từng quốc gia của đội ngũ… họ cũng sẽ chứng kiến với mỗi đất nước, người dân sẽ có thái độ như thế nào đối với văn chương và các tác giả, không chỉ là trong văn học, mà bao gồm các công trình nghệ thuật khác. Điều này sẽ phản ánh cả văn hóa lẫn cách nhìn nhận về những giá trị tinh thần của con người tại đây – dù chưa phải là tất cả. Đó là những kỷ niệm thực địa mà bất kỳ một phóng viên nào cũng có thể ghi chép lại, nhưng Balazs lại chọn cách xen giữa chúng với đoạn phỏng vấn văn chương, hoặc khi đang nói về tác phẩm.
Khi đọc mỗi tác phẩm, thông thường vai trò của nhà văn chỉ dừng lại khi cuốn sách đã đóng. Cơ hội giao lưu với độc giả là những gì họ đã viết trong ngần ấy chữ nghĩa. Nhưng với người đọc, nhà văn có vai trò lớn hơn như thế, họ giống như những người bạn tưởng tượng, và chắc chắn, sự ảnh hưởng của người viết là điều không thể chối cãi, bởi những nhân vật, những cuộc chiến, và góc tối sau cùng của thân phận,… không khỏi khiến cho người đọc suy nghĩ lâu dài về chúng. Và qua loạt bài phỏng vấn này, hình ảnh nhà văn có thể trở nên gần gũi hơn, nhiều sắc thái hơn. Nhà văn không còn ở trong một ốc đảo cô độc, hay trong một căn phòng xa lạ nào nữa. Họ đã ở đây, và trò chuyện với tất cả chúng ta, những ai đọc cuốn sách này, chứ không chỉ riêng Levai Balazs.
Mặt khác, các cuộc phỏng vấn trong cuốn sách này đều mang hàm ý như cầu nối giữa hai thế giới, ở khía cạnh nào đó, vài nhà văn luôn cảm thấy khó khăn để chia sẻ với bạn đọc những điều mà họ nghĩ, nếu không có câu hỏi gợi đúng đề tài cho họ. Điển hình như trong đoạn phỏng vấn nhà văn gốc Nhật Kazuo Ishiguro đang sống tại Anh, tác giả của cuốn sách mà tôi rất thích “Dạ khúc, năm câu chuyện âm nhạc và đêm buông”. Ông tâm sự với Balazs về việc tìm hiểu độc giả của mình “Ở đâu đó trong sâu thẳm của vô thức, trong mỗi khoảnh khắc, người ta đều biết rõ thực chất mình muốn hướng tới ai. Tôi cho rằng, dù có ý thức hay không, mỗi nhà văn đều suy nghĩ như thế, độc lập với việc họ có thích hay không. Chẳng hạn như hiện tại, chúng ta trao đổi ở đây, nhưng bằng cách nào đó, tôi đang thử nói với độc giả Hungary. Chúng tôi (nhà văn) thường được yêu cầu đi tới nhiều nơi trên thế giới để chia sẻ về những cuốn sách cho độc giả. Sau những lần như thế, thật khó trở về và quên đi tất cả những gì mình đã trải nghiệm ở các nước. Nhà văn nên biết rõ độc giả mà mình hướng tới. Về mặt nghệ thuật đơn thuần, tôi cảm thấy chưa đủ nếu một người nào đó chỉ viết ra những điều chỉ có thể hiểu được trong thành phố của anh ta, hay chỉ trong một thời kỳ ấy…”.
Khi đọc cuốn sách này, tôi tự hỏi, một nhà văn khi sống và làm việc ở thời kỳ này, thời kỳ cho phép độc giả có thể phê bình công khai tác phẩm kể cả khi họ chưa đọc hết tác phẩm, hay chỉ mới đọc qua loa, thì liệu nhà văn đó có thể đứng ngoài cuộc được không? Khi tất cả các luồng thông tin đều sớm tìm đến họ. Toàn cầu hóa, điều này khiến cho nhà văn vẫn có thể ngồi một chỗ và tiếp cận, trao đổi với độc giả dễ dàng hơn, nhưng cũng đồng thời nó cũng khiến cho tính bí mật, riêng tư bị lu mờ dần. Mỗi nhà văn, như một đại diện tư duy với nhãn quan rộng lớn và sâu sắc về tình phổ quát trong văn hóa, và nhà văn cần thể hiện tác phẩm với giọng văn mà cộng đồng quốc tế đều sẽ tiếp nhận được, mà vẫn giữ được tính riêng biệt, nhất quán trong quan điểm sáng tác của họ, ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi thời cuộc và không gian sống.
Quay trở lại cuốn sách và cảm hứng của chương trình The Big Read, nếu không phải là Hungary, một trong số quốc gia nước hiếm hoi có Tổng thống là một nhà văn, Goncz Arpad (1922), và người dân ở đó xem trọng việc đọc, thì sẽ rất khó khăn để cuốn sách này tạo tiếng vang lớn từ trong và ngoài lãnh thổ Hungary như vậy. Còn với Levai Balazs, với vai trò là một phóng viên truyền hình như những đồng nghiệp quốc gia khác, nếu anh không thể chứng minh được khả năng am hiểu, sự nghiêm túc trong việc tìm hiểu tác phẩm, và niềm đam mê văn chương, thì sẽ không có lý do gì để các tên tuổi nhà văn lớn đồng ý buổi hẹn phỏng vấn. Chúng ta đều biết, văn chương là lĩnh vực rất khó phỏng vấn, nhưng Balazs đã làm được điều đó, không chỉ một, mà còn hơn hai mươi nhà văn lớn, khả năng đó, không phải phóng viên nào cũng làm được.