Hảo Hán Nơi Trảng Cát (Jorge Amado) – Những Tuổi Thơ Bị Đánh Cắp

Sự nghiệp sáng tác của nhà văn nổi tiếng người Brazil Jorge Amado được chia là hai thời kỳ rõ rệt: Thời kỳ đầu khi ông sử dụng ngòi bút của mình để mô tả về những kiếp người nghèo khao khát tự do với khuynh hướng chính trị ủng hộ cách mạng vô sản và khuyến khích cuộc đấu tranh giai cấp, đến cuối những năm 50, ông lại chuyển hẳn qua thể loại hiện thực huyền ảo ca ngợi vẻ đẹp về thiên nhiên con người Bahia quê hương ông với lối viết mê hoặc, ma mị. Ở mỗi thời kỳ, ông đều đạt được những thành tựu nhất định và có thể nói “Hảo hán nơi trảng cát” chính là cuốn sách nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất trong thời kỳ sáng tác đầu tiên của ông, mà điều đáng ngạc nhiên là ông sáng tác cuốn sách này khi mới 25 tuổi, và cuốn sách nhanh chóng trở thành cuốn sách gối đầu giường cho bao thế hệ học sinh, sinh viên đến tận bây giờ.

Ngay từ những trang mở đầu của cuốn sách, bạn đọc ngay lập tức sẽ định hình được câu chuyện Jorge Amado muốn dẫn dắt ta đến đâu khi ông đưa ra hàng loạt những bài tin tức của tờ “Nhật Báo Buổi chiều” mà nhân vật trung tâm là một băng đảng mang tên: “Hảo hán nơi trảng cát”. Xuất phát từ một cuộc đột nhập cướp bóc của các “hảo hán”, các nhân vật chủ chốt của chính quyền lần lượt xuất hiện trên mặt báo để tìm cách đùn đẩy trách nhiệm của mình, từ ngài cảnh sát trưởng cho rằng đó là nghĩa vụ của ngài chánh án xét xử trẻ vị thành niên, đến giám đốc nhà trừng giới phủ nhận vai trò của mình trong việc dạy dỗ những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Jorge Amado đã rất thẳng thắn vạch ra sự thiếu trách nhiệm của chính quyền khi họ chỉ lo cho quyền lợi của riêng mình mà quên đi số phận của những con người nghèo khổ.

“Hảo hán” là tập hợp các các thiếu niên mà đứa lớn nhất cũng chỉ mới 16 tuổi, được cầm đầu bởi Pedro Bala – cậu thanh niên mà bố chết trong một cuộc đình công và trở thành người hùng với lớp công nhân thời đó. Chọn bối cảnh quen thuộc là Bahia – nơi chôn rau cắt rốn của mình – Jorge Amado lần lượt kể về cuộc đời của từng thành viên trong băng nhóm “Hảo hán nơi trảng cát” với sự thấu hiểu kỳ lạ, đó là “Cẳng Nhũn”, cậu bé mặc cảm bởi ngoại hình cơ thể và luôn khao khát được yêu thương dù không bao giờ được đáp lại, “Gã Mèo” – gã thanh niên dậy thì sớm rất giỏi món cờ gian bạc lận và say đắm một ả điếm, “Giáo Sư” – chàng trai say mê sách vở và những cuộc phiêu lưu với tài năng vẽ tranh trời phú, “Joao Gộc” – cậu thanh niên da đen tốt bụng quả cảm, “Mạch Nha” – cậu bé sùng đạo và khao khát có cuộc sống lương thiện hơn hiện tại…. Từng câu chuyện của các cậu bé hiện ra sống động và chân thật, trên con đường lang bạc, số phận đã dẵn dắt bọn chúng đến với nhau và gắn kết như một gia đình. Tất cả bọn chúng đều mang trong mình nỗi khao khát tự do và một mái ấm để được yêu thương: “Cái điều mà nó mong muốn, chính thế, đó là sự sung sướng, đó là niềm vui, đó là trốn thoát tất cả cái cực khổ này, tất cả cái cơ cực này cứ luôn luôn rình rập quanh chúng nó và bóp nghẹt chúng nó. Ở đó quả là có cái tự do không bờ bến của những đường phố, đúng là như thế. Nhưng mà ở đó cũng lại có sự khước từ tất cả mọi ve vuốt, sự thiếu thốn, tất cả những lời thân thương.” Dù phải ăn cắp để nuôi sống bản thân, “Hảo hán” vẫn là những thanh niên trượng nghĩa thật sự với cái nhiệt huyết của tuổi trẻ đầy hoài bão ước mơ.

Xã hội Brazil những năm 30 hiện lên trong “Hảo hán nơi trảng cát” là một xã hội có sự phân hóa rõ rệt, nơi người giàu nắm trong tay mọi quyền lợi và đặc quyền còn điều chờ đợi người nghèo chỉ là bệnh tật, đói khát và đau khổ. Như khi căn bệnh đậu mùa gieo rắc xuống thành phố Bahia thì chỉ có người nghèo phải chết trong đói rét ở những khu cách ly vì người giàu đều đã được tiêm chủng, như khi Dora – người yêu của Pedro – lang thang khắp thành phố để tìm việc làm nhưng không một gia đình giàu có nào rủ lòng thương và gia nhập băng đảng của “Hảo hán”, và như khi linh mục Pedro – người duy nhất đồng cảm và cũng là người bạn của các “hảo hán” – thốt lên chống lại Đức cha bề trên của mình khi chỉ trích ông có mối quan hệ với thành phần bất hảo: “Chúng nó ăn cắp để có cái ăn, bởi vì tất cả những người giàu sang kia họ có thừa tiền để vứt qua cửa sổ, để đem cho nhà thờ, mà họ lại không hề nhớ rằng trên thế gian này đương có những đứa trẻ bị đói khát…”

Cuốn sách được chia làm ba phần và phần cuối cùng được Jorge Amado lựa chọn để gửi gắm những thông điệp chính trị của mình. Các nhân vật trong “Hảo hán” lần lượt đổi đời và thực hiện được ước mơ của mình, còn đối với thủ lĩnh Pedro Bala thì tìm thấy ánh sáng của cuộc cách mạng vô sản và gia nhập vào phong trào công nhân ở Bahia. Tôi có cảm giác như đọc một câu chuyện cổ tích hiện đại với kết thúc có hậu (dù không thể phủ nhận, có những cậu bé trong câu chuyện không được may mắn và chấm dứt cuộc đời bằng cái chết hoặc tù tội) và khiến tôi nhẹ nhõm, hân hoan thế nhưng tôi vẫn có cảm giác gì đó không được trọn vẹn, liệu có phải Jorge Amado đã tô hồng một thực tế quá đỗi phũ phàng, hay bởi ông vẫn muốn một kết thúc đẹp cho những cậu bé trong một xã hội đầy rẫy bất công?

80 năm sau cuốn sách ra đời, vào năm 2017, phóng viên của đài BBC đến Salvador – thủ phủ của bang Bahia và cho ra đời một phóng sự kể về những “Hảo hán nơi trảng cát” thời hiện đại (*). Ta lại bắt gặp những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ làm đủ mọi cách để kiếm sống (chủ yếu là trộm cướp) mà chính quyền không hề có bất kỳ một hành động nào để can thiệp và đau lòng làm sao khi tất cả những thanh niên trong bài phóng sự khi phỏng vấn đều đã đọc và yêu thích “Hảo hán nơi trảng cát”. 80 năm sau, những câu chuyện và thông điệp mà Jorge Amado gửi gắm trong cuốn sách vẫn đầy tính thời sự và không hề có dấu hiệu lỗi thời. Nhưng liệu những điều ông muốn gửi gắm, những tiếng nói mà bài phóng sự đã phỏng vấn có thật sự được lắng nghe?

 

(*): Các bạn có thể đọc bài phóng sự và phỏng vấn đầy đủ ở đường link sau: http://www.bbc.co.uk/programmes/p04xqh7d

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.