Những Lần Ta Chia Tay (David Foenkinos) – Trò Cút Bắt Của Tình Yêu

Khi Benoit – học trò của Alice – chứng kiến cảnh nàng và người yêu của mình cãi nhau bằng tiếng Đức dù chẳng ai hiểu ai, cậu đã nhận xét một câu khá quan trọng và cũng đầy hài hước: “Anh chị nên cưới nhau. Anh chị giống hệt bố mẹ em.Một câu nói cười ra nước mắt đồng thời cũng tóm gọn cái ngược đời của tình yêu mà bất cứ cặp đôi nào cũng gặp phải: những trận cãi vã vô nghĩa và bất tận. Căp đôi Fritz và Alice trong “Những lần ta chia tay” cũng không ngoại lệ, xuyên suốt 200 trang sách là những câu chuyện dở khóc dở cười của cặp đôi tuy bình thường mà rất đỗi đặc biệt này.

Khi yêu nhau, bất kỳ ai cũng mong tình yêu ấy kéo dài mãi mãi, ta sẽ cùng nhau già đi. Dĩ nhiên, Fritz và Alice cũng vậy: “Một lần tôi mua tặng nàng đĩa phim Chúng ta sẽ không cùng nhau già đi của Maurice Piliat tôi đã bôi đen từ “không”. Có lẽ đó là điều chúng ta nên làm để được hạnh phúc bên nhau: bôi đen những từ “không”. Nhưng đời đâu ngỡ là mơ, những viễn cảnh hạnh phúc mà ta dựng ra cho nhau không phải lúc nào cũng thành hiện thực, đâu phải chỉ yêu nhau là đủ khi cuộc đời còn rất nhiều rào cản và cám dỗ mà ta không đủ sức vượt qua để giữ vững tình yêu của mình.

Cuộc tình của Fritz và Alice kéo dài cả một đời người, cứ gặp gỡ, yêu đương rồi chia lìa như một trò đuổi bắt. Fritz và Alice bắt đầu yêu nhau trong lúc tuổi trẻ cuồng nhiệt, họ phát điên vì nhau, cuốn vào nhau nhưng rồi cái tôi của họ quá lớn, không ai chịu nhường ai và dẫn tới đổ vỡ. Theo thời gian, Alice và Fritz già đi cũng là lúc họ có cái nhìn sáng suốt hơn về mối tình của mình và nhận ra những lỗi lầm của nhau, họ gặp lại với mong ước hàn gắn những vết thương trong quá khứ. Tình yêu của họ trở nên đằm thắm, cẩn trọng hơn nhưng ở mỗi độ tuổi, ta lại có những khó khăn và ngăn trở riêng, những lỗi lầm lại chồng chất thêm lên khiến ta không thể đến được với tình yêu của đời mình.

Lối viết của David Foenkinos rất nhởn nhơ, kể chuyện chia tay đau đớn mà cứ như đùa giỡn. Đối với ông, tình yêu như một trò đùa lớn: niềm vui, hạnh phúc, nụ cười hay nỗi buồn, đau khổ, nước mắt chỉ là những gia vị cần phải có của tình yêu, ta phải chấp nhận và tận hưởng nó. Các nhân vật của ông rất sống động, đặc biệt là Fritz và Alice, bất cứ ai cũng sẽ gặp chính mình trong câu chuyện của ông, những cung bậc cảm xúc của tình yêu hay những giai đoạn, biến đổi của nó ắt hẳn sẽ khiến bạn đọc cảm thấy đồng cảm.

Một điều nữa làm cho câu chuyện của Fritz và Alice dễ dàng đi vào lòng độc giả đó là sự hài hước một cách duyên dáng khiến ta bật cười nhưng cũng trầm tư suy nghĩ. Tôi đã thật sự háo hức dõi theo mối tình của hai nhân vật chính, xem nó sẽ dẫn đến đâu và kết thúc như thế nào (thật ra thì tình yêu thì chẳng bao giờ có kết thúc, tôi đã lầm khi mong đợi điều đó nhưng David Foenkinos đã khiến tôi nhận ra lúc cuốn sách khép lại.)

Những lần ta chia tay” là một cuốn sách mỏng mảnh, dịu dàng thích hợp để tặng bạn bè, cũng như Fritz khi tìm quà cho cuộc hẹn đầu tiên đã chọn một cuốn sách: “Không nên mua món quà quá ấn tượng, để khỏi làm cô sợ. Một cuốn sách hẳn là ý tưởng hoàn hảo, sách là một món quà giản dị và đáng tin, một món quà tạo dựng niềm tin, một món quà thân mật mà không quá tọc mạch.” Cuốn sách cũng là lựa chọn tuyệt vời để đọc vào buổi tối cuối tuần, hoặc trên bãi biển (hoặc bất kỳ đâu mà bạn thích) để ta bất chợt mỉm cười (hoặc xao xuyến) khi bắt gặp câu chuyện tình yêu của chính mình.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.