Con Chim Phụng Cuối Cùng (Nguyễn Thị Kim Hòa) – Cái Nhìn Lịch Sử Đầy Nhân Tính

Với chín truyện ngắn được chắp bút tỉ mỉ, kì công mà ở mỗi con chữ đều oằn mình, trĩu đầy xúc cảm: yêu thương, giận hờn có; nhớ nhung, căm ghét có, Con chim phụng cuối cùng đã soi một cái nhìn đầy nhân tính vào trong lịch sử.

Bằng cách chắp ghép các mảnh nhìn từ phía các nhân vật, ta được thể nghiệm lịch sử lần nữa trọn vẹn và sống động hơn, để ta bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu xuyên không gian và thời gian. Đọc để nhìn lại. Để soi cái nhìn thời nay mà tri âm cùng tiền nhân thuở trước, để nhìn họ đúng như những con người chứ không phải như một hình nộm mang chủ nghĩa anh hùng đứng thẳng đơ trên trang giấy. Đó là những thân xác biết ham muốn, biết đớn đau mà đành giấu mình sau lớp áo bào lộng lẫy.

Đọc để thấu những nỗi đau không bao giờ sờn cũ, nỗi đau của một kiếp nhân sinh vô thường, phù phiếm. Những khát khao danh vọng, những lí tưởng cao đẹp nhân danh cho một giá trị phổ quát nào đó để dẫn đến những bi kịch hết sức cá nhân mà lịch sử đã che lấp mất. Bánh xe lịch sử đi qua nghiền nát biết bao thân phận con người, con người trở thành vật hiến tế cho lịch sử mà người ta dành một sự công nhận cao cả cho một tập thể chung chung gồm những con người vô danh chẳng ai nhớ mặt. Những cái xác trôi vào trong hố đen vô tận. Bặt tăm.

Văn học đã mang nhân tính của mình để tái hiện những thân phận khả dĩ còn vài cái tên và tình tiết trong sách sử lên trang viết lần nữa, cho họ cười, cho họ khóc, cho họ yêu, cho họ ghét và cho họ diễn lại cái tuồng bi kịch của đời mình lần nữa để được cảm thông và thấu hiểu. Đó chính là sức mạnh của văn học, bắc một chiếc cầu xuyên qua thời đại, để Nguyễn Du tri âm cùng Tiểu Thanh, để ta khóc cùng tiền nhân thuở trước, kể cả nỗi đau cho những kẻ sinh ra “trót mang sợi dây vàng”.

Không chỉ cảm thông cùng thân phận, mà ta còn học từ lịch sử. Nhưng ta nhận ra rằng, có những nỗi đau mà bất cứ con người nào cũng phải mang lấy. Cái vòng tục lụy, oan khiên của kiếp người cứ thế xoay vần, không thể nào chấm dứt. Những cuộc tranh giành địa vị, quyền lực trong xã hội luôn là câu chuyện không hồi kết, những chuyện chia chăn sẻ gối người mình yêu với kẻ khác cũng là chuyện muôn đời. Vậy nên “…con người, bất chấp trải nghiệm sống phong phú của họ, bước ra khỏi một thử thách lịch sử cũng vẫn dại khờ như khi bước nào”. Có lẽ không phải ta học lịch sử, mà qua lịch sử ta tìm cách hiểu cuộc đời mà như Milan Kundera đã nói: “Bản chất của cuộc đời là một sự thất bại, điều duy nhất để đối mặt với thất bại không thể tránh khỏi, mà ta gọi là cuộc đời, là tìm cách hiểu nó”

Ngoài ra, tập truyện này còn độc đáo bởi nét nữ tính đầy táo bạo trong văn học. Có thể soi chiếu tác phẩm từ cái nhìn của “văn học nữ quyền”. Nữ tác giả Kim Hòa đã thể nghiệm lịch sử qua cái nhìn hầu hết là của phụ nữ cho ta thấy vẻ đẹp lộng lẫy và thân phận bi thương của họ. Với những câu từ hoa mỹ, trau chuốt kĩ càng, tác phẩm phác họa những bức tranh duy mĩ về người phụ nữ xưa: đôi môi hồng, đôi ngài được chuốt cong. Vẻ đẹp của người phụ nữ được miêu tả đầy táo bạo với sự vùng vẫy của ham muốn thân xác cùng khát vọng tự do, lên tiếng chống lại những áp đặt của thiết chế phong kiến. Họ như những con chim Bạch Yến, con chim Phụng luôn muốn thoát mình khỏi những chiếc lồng mà bay đến chân trời của tự do mang theo khát vọng hạnh phúc lứa đôi.

Đây là một tác phẩm rất duy mĩ, từ nội dung cho đến hình thức. Trong tác phẩm khéo léo bàn về giá trị của cái đẹp: “Nghệ sĩ hóa ra không chỉ thuộc về kẻ sáng tạo”. Nó còn thuộc về cả những kẻ biết thưởng ngoạn cái đẹp.

Tựu trung lại, đây là một tác phẩm tỉ mẩn trong từng con chữ, vừa mang giá trị lịch sử vừa mang giá trị nghệ thuật, đọng lại trong ta một dư âm xúc cảm dài lâu sau khi gấp lại trang sách cuối cùng.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.