Lâu Đài (Franz Kafka) – Bức Tường Ngôn Ngữ

Franz Kafka có một loại năng khiếu chuyên làm người ta phải ngạt thở bằng ngôn từ của ông. Những dòng chữ bịt kín tâm thức, trói chặt tâm hồn, giam lỏng ta vào một bức tường. Bức tường ấy có khi làm người ta bị dội lại, có khi lại muốn được giam vào đấy như chính cách K. nhất quyết phải ở lại ngôi làng

“Anh không thể ra nước ngoài sống,” K. nói, “anh đến đây để ở lại đây. Anh sẽ ở lại đây.”. Sự dứt khoát của K. có thể xem như đặc điểm dấn thân của Văn học Hiện Đại nơi mà văn chương của Kafka được tôn sùng. Nhưng không, tôi cảm thấy như Kafka thiếu một lời giải thích cho K. tương tự cách chúng ta thiếu lời giải thích cho sự tồn tại của mình. Franz Kafka để lại một gia tài cho thế hệ sau bằng những câu hỏi chứ không phải tác phẩm của mình. Chính vì điều đó mà nếu bạn hỏi tôi tại sao cảnh bố Olga đi tìm tội lỗi của gia đình mình giống Vụ Án đến vậy, thì tôi sẽ trả lời đơn giản vì những câu hỏi đó bám lấy tác giả, và chúng ta cũng nên bám lấy câu hỏi đấy để tồn tại. Nhưng điều đặc biệt ở đây là chính một gia đình trong làng cũng gặp rắc rối với lâu đài, một thứ mà người ta chưa từng thấy bao giờ đằng sau lớp sương mờ. Cũng phải vô cùng cảm ơn dịch giả khi đã có một dòng chú thích rất quan trọng về Klamm (tiếng Séc là ảo ảnh), một nhân vật từ đầu đến cuối chỉ được nhắc đến tên và được tất cả mọi người tìm kiếm, một số thì tôn sùng. Vậy bá tước của vùng Westwest ở đâu? Ngay cả cái tên Westwest cũng gợi lên sự vô nghĩa. Tất cả trống rỗng, Lâu đài giống như một cuộc xếp hình chữ, khi mà tất cả hàng chữ đều thẳng tắp một cách vô hồn vì những gì ta đọc giống như một kiểu chuông báo thức, ta bắn ra khỏi câu chuyện như tỉnh dậy và đi vào sâu hơn cuộc sống của ta, hoặc rơi vào một khoảng không vô định nào đó tựa như cuốn sách đang rơi khỏi tay ta và cứ rơi mãi. Ta sợ phải nhấc quyển sách lên, quyển sách sống, và chúng nói với chúng ta những điều ta không muốn nghe, hoặc chưa từng nghĩ đến, chưa có trong tâm thức chúng ta; mọi diễn giải là một thái độ trốn tránh, chữ đơn giản là chữ, chúng chưa bao giờ trong suốt và tinh khiết như trong tác phẩm của nhà văn. Nhưng, không ai nhìn thấu được vì những vết cặn trần tục còn vương trong đáy mắt. Chúng ta nên hiểu rằng đừng nên tin vào đôi mắt, hãy tin vào con chữ, hãy quỳ gối trước ngôn từ rồi chúng ta sẽ được ban phát sự sống. Đó chính là sự tự do ta không đủ khả năng tiếp nhận khi đứng trước Franz Kafka, điều mà K. hiểu rõ:

Lúc ấy K. cảm thấy như người ta đã cắt đứt mọi liên hệ với chàng và gờ đây tất nhiên chàng tự do hơn bao giờ hết và có thể chờ đợi ở đây, nơi mà bình thường chàng bị cấm, bao lâu cũng được, và chàng đã dành được sự tự do này, mà hầu như không ai khác làm nổi, và không ai được phép đụng đến hay xua đuổi chàng, thậm chí bắt chuyện với chàng; nhưng – niềm tin vững chắc này ít nhất cũng mãnh liệt như thế – đồng thời không có gì cô nghĩa hơn, không có gì tuyệt vọng hơn là sự tự do này, sự chờ đợi này, sự bất khả xâm phạm này.

Vậy tất cả những gì chúng ta thấy từ Lâu đài là gì ngoài những tấm bằng đề tên tác phẩm được trao tặng bởi những cái tên to lớn?

tấm bằng ấy là cái gì mới được chứ? Chỉ là sự xác nhận những khả năng của ông, mà những cái ấy bố cô có mất đâu

Mệnh đề Franz Kafka đưa ra không phải là một câu hỏi, chúng là một hồi chuông, phải, những điều hiển nhiên như thế đã thao túng cuộc sống này như thế nào? Những con số, sự công nhận, những đánh giá? Chúng ta đã là gì nếu thiếu những thứ ấy?

Sau cùng, Kafka để cho ta những gì ngoài những câu hỏi phỏng vấn vốn ta vẫn trốn tránh, nhưng ở đây, nhà văn xem nó là sự cự tuyệt cuộc đời dành cho ta, sự cự tuyệt được sống, được kháng tự, được tồn tại. Chính nơi đây, thế giới này, ngài Klamm và con đại bàng có chung những đặc điểm, một sự trừu tượng lại được so sánh với điều có thật,và đầy rẫy những vòng tròn ngài vạch ra trên cao theo những định luật không thể hiểu được, chỉ có thể thấy trong chớp mắt, mà những kẻ như K. từ dưới thấp không thể phá nổi, Lâu đài là một kiểu như thế, tác phẩm của Kafka chỉ là một ảo ảnh, một đống tro tàn sót lại sau ngọn lửa, một thứ đại bàng không hơn không kém.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.