Khi Therese bắt gặp ánh mắt của Carol ở trung tâm thương mại nơi cô làm thêm, Therese biết rằng cô sẽ bị ánh mắt ấy ám ảnh, mà không chỉ riêng Therese, tôi cũng bị đôi mắt xám của Carol quyến rũ khi xuyên suốt cuốn tiểu thuyết của Patricia Highsmith, ánh mắt của Carol như một chiếc hồ xám hun hút chất chứa bao điều, nhất là tình yêu sâu nặng nhưng chẳng thể nói nên lời. Được xuất bản vào năm 1952, cuốn sách ngay từ đầu đã vấp phải sự phản đối vì đưa ra những vấn đề gần như là cấm kỵ vào thời đó, cũng như Carol phải chật vật đấu tranh để khẳng định tình yêu của mình trong một xã hội còn nhiều định kiến, Patricia Highsmith cũng phải sử dụng một bút danh khác để viết cuốn sách vì những điều tiếng mà bà sợ cuốn sách sẽ mang lại. Và qua bao nhiêu năm, “Carol” vẫn là một cuốn sách tươi mới, đẹp đẽ và tràn đầy sức sống.
“Em cảm thấy mình đang đứng trong một sa mạc, hai tay vươn ra và chị đã đổ mưa xuống.” – Therese đã viết như vậy trong bức thư cô gửi cho Carol mà không dám gửi đi. Tôi thật sự xúc động khi đọc những dòng này, bởi nó không chỉ thể hiện khao khát yêu đương của Therese – một cô gái bị mẹ bỏ rơi trong cô nhi viện – mà nó còn chỉ cho tôi thấy cái tình yêu Therese dành cho Carol nó sâu đậm đến dường nào, như một sa mạc cạn khô, uống lấy từng giọt mưa mát lành. Và cơn mưa mát lành ấy, chính là Carol – người phụ nữ giàu có sắp li dị chồng. Tình yêu của Therese ban đầu cũng đầy rẫy những hoang mang, cô không chắc đó có phải là tình yêu không, và nếu đó thật sự là tình yêu thì liệu có gì sai trái khi yêu một người phụ nữ. Nhưng tình yêu luôn có cách của nó để dẫn ta đến những câu trả lời, trái tim sẽ biết cách chỉ đường cho Therese: “Nó không phải là cảm giác điên rồ, nhưng chắc chắn là tràn ngập hạnh phúc. Một từ thật ngớ ngẩn, nhưng làm sao cô có thể hạnh phúc hơn lúc này,…?” Từ đó tình yêu của Therese và Carol diễn ra hết sức tự nhiên, hai người như hai mảnh ghép hoàn hảo dành cho nhau: Therese – một cô gái 19 tuổi – tràn ngập những nỗi lo âu cần một người từng trải như Carol vỗ về để lấy lại niềm tin và cả những đam mê, Carol – người phụ nữ già dặn tự tin cứ ngỡ không gì có thể phá vỡ bức tường thành mà cô dựng quanh mình đến khi gặp Therese – Carol thể hiện ra những mặt yếu đuối, dễ bị tổn thương của mình và để Therese hàn gắn chúng.
Trong cuốn tiểu thuyết “Tình yêu thời thổ tả”, Gabriel Garcia Marquez viết: “những kẻ hèn nhát chẳng bao giờ đặt chân tới được vương quốc của tình yêu, một vương quốc phũ phàng và cay nghiệt.”. Therese và Carol là minh chứng rất rõ cho sự dũng cảm chiến đấu để có được tình yêu, và họ còn phải dũng cảm gấp đôi “bình thường” trong một xã hội mà tình yêu giữa hai người phụ nữ vẫn còn bị cho là “bất bình thường”. Chính người chồng cũ của Carol đã dùng tình cảm của Carol dành cho Therese như một minh chứng cho việc cô không đủ phẩm chất làm mẹ khi dành quyền nuôi con với Carol. Dĩ nhiên có những lúc Therese và Carol mệt mỏi, tưởng chừng đã buông xuôi để quay lại cuộc sống yên bình như xã hội mong muốn, nhưng tình yêu lại bừng lên trong họ, tiếp thêm cho họ sức mạnh để tiếp tục hy vọng cùng nhau đến được cái “vương quốc phũ phàng và cay nghiệt” mang tên tình yêu.
Xuyên suốt cuốn sách, tôi cảm nhận một nỗi buồn kỳ lạ trong từng câu viết của Patricia Highsmith, phải chăng bởi bà đang viết về chính cuộc đời mình, nhưng thực tế có phần phũ phàng hơn tiểu thuyết, liệu trong cái xã hội đầy định kiến ấy, bà có tìm được tình yêu và dũng cảm đấu tranh vì nó như Therese và Carol đã làm. Tựa gốc của cuốn sách khi được xuất bản lần đầu tiên: “The Price of Salt” – “Giá của muối” dường như thể hiện rất rõ điều này, để có được những gia vị của tình yêu (mà ở đây là vị mặn để vượt qua sự nhạt nhẽo của cuộc sống hàng ngày), ta phải trả giá, như Therese và Carol đã đánh mất rất nhiều thứ để có được nhau.
Một cuốn sách đẹp đẽ, như cách Therese cảm nhận về tình yêu mà Carol mang lại: “Cô đã viết rằng em cảm thấy mình yêu chị mất rồi, và mùa xuân đang tràn về. Em muốn mặt trời chiếu rọi xuống đầu em như một bản hòa âm. Em nghĩ mặt trời là Beethoven, gió là Debussy và tiếng chim hót là Stravinsky. Nhưng nhịp điệu là của riêng em.” “Carol” là một cuốn tiểu thuyết mà ta phải đọc để hiểu hơn về những vấn đề mà tình yêu, giới tính phải đối mặt cách đây hơn 50 năm, và thấy rằng, thế hệ của chúng ta đã dành lại được sự thừa nhận mà những người đi trước đã phải chiến đấu rất nhiều để có được, thậm chí đó không phải là một trận chiến, đó là một cuộc thảm sát, hãy tưởng tượng có bao nhiêu mối tình đã bị giết đi bởi sự hạn hẹp của đầu óc con người?

“Thiên đường thì buồn”