Trước khi nhận được những muỗng mật ong ngọt ngào thì không biết tôi đã trải qua bao nhiêu trái đắng, đó chính xác là cảm giác của tôi khi đọc Gấu Pooh xinh xắn. Dường như không dễ dàng gì với cuốn sách này khi bạn vừa không còn là trẻ con và cũng chưa phải là những bậc phụ huynh. Bạn sẽ đọc với tâm trạng một chút sợ hãi, lo âu và nhất là rụt rè vì bạn không biết phải hiểu những câu chữ như thế nào cho phải. Rồi, “phù…” – tiếng thở dài nhẹ nhõm khi bạn tự nhủ: “ừ, mình cũng lớn rồi”.
Gấu Pooh xinh xắn là tập hợp những câu chuyện xung quanh gấu Pooh, Christopher Robin và những người bạn qua giọng kể của một người bố hết sức chân thật và dịu dàng, cũng vô cùng hài hước và hóm hỉnh, ngay từ lời giới thiệu:
“con Lợn Con thì bé đến mức có thể chui vào một cái túi, tại đó các bạn có thể thấy rất dễ chịu khi sờ vào người nó trong lúc các bạn chưa thật chắc chắn rằng hai lần bảy là mười hai hay là hai mươi hai.”
Hy vọng các bạn không mất vài phút để tính nhẩm như tôi. Phải nói truyện đặc sắc một cách trong trẻo, và vô cùng tinh tế khi khắc họa được những nét đáng yêu tinh nghịch của thế giới trẻ thơ. Ở thế giới ấy, những đứa trẻ luôn đúng, chúng biết tất cả mọi thứ nhưng chúng thường “quên” mất. Có khi bạn sẽ nhận được một câu hỏi là lời giải thích cho một điều gì đấy, mà xét về góc độ này, có lẽ những triết gia sẽ thích thú. Không dừng lại ở đó, những triết gia ắt hẳn sẽ điên đầu với những lập luận “khó đỡ” của Pooh – chú gấu được cho là không thông minh lắm, nhưng lại có những sáng kiến bất ngờ và hữu ích.
Những trang sách đầy rẫy lời nói dối đáng yêu, những ngụy biện ngọt ngào, những tình huống vô cùng nghịch ngợm (và có vẻ như là ngốc nghếch nhưng thật ra chỉ rất đáng yêu mà thôi), những câu hỏi kì lạ và hết sức ngây ngô nhưng luôn chứa bên trong một thứ gì đấy làm người đọc phải hoài nghi – hay chỉ đơn giản là những câu hỏi bình thường của những đứa trẻ mà ta không thể nào ngừng làm quá lên được. A.A.Milne tinh tế ở đấy, ông miêu tả chính xác dáng điệu của những đứa trẻ tập làm người lớn – hài hước, dễ thương nhưng làm cả thế giới phải điên đảo.
Ở khu rừng Sanders cũng không thiếu những nỗi buồn có thể xem là người lớn mà tiêu biểu là bác Lừa Eeyore:
“Chúc Gấu Pooh một buổi sáng tốt lành”, bác Lừa Eeyore buồn rầu nói. “Nếu buổi sáng nay tốt lành thật,” bác nói, “Điều đó thì ta không tin,” bác nói.
“Sao, có chuyện gì vậy ạ?”
“Chẳng có gì cả, Gấu Pooh à, chẳng có gì cả. Tất cả chúng ta đều không thể, và vài kẻ chúng ta thì không làm. Tất cả nguyên cớ chỉ là thế.”
“Tất cả không thể cái gì ạ?”
Những câu hỏi, những nỗi buồn như thế làm ta không thể nào phân biệt được đâu là trẻ con, đâu là người lớn nữa, có lẽ tất cả chúng ta đều như nhau, những đứa trẻ và những đứa trẻ to xác.
Nếu so với những truyện thiếu nhi khác thì Gấu Pooh xinh xắn không hề kém cạnh, điểm lại từng chương, ta cũng có thể rút ra một bài học gì đấy mà ta đã bỏ lỡ, chính những điều lý thú mà tự nhiên quá đỗi đó mới có thể vào sâu trong ta một cách dễ dàng như vậy. Ví dụ ở gần cuối chương sáu ta có thể thấy được những khuyết điểm được tác giả tô thắm một cách tuyệt diệu khi hai món quà lỗi của Pooh và Lợn Con có thể kết hợp với nhau “tuyệt vời” đến thế. Chỉ trẻ em mới không đánh giá phần quà bằng giá trị vật chất mà bằng chính tình cảm, điều đó làm cho phần quà có giá trị thực sự.
Gấu Pooh xinh xắn là câu chuyện xoay quanh đời sống thường nhật của gấu Pooh được kể lại bởi bố của Christopher Robin vì chú gấu đã quên mất, nghe thật quái lạ phải không? Nhưng đọc xong bạn sẽ hiểu được, ừ, có lẽ đúng là như thế đấy, không có một lời giải thích cặn kẽ nào cả, người lớn thì thật trẻ con còn con nít thì lại luôn biết mình phải làm gì (hay ít nhất là chúng nghĩ như vậy), thứ mà cả cuộc đời con người tìm kiếm chỉ đơn giản là những điều trước mắt với những cô cậu bé. Ngay từ chương đầu tiên Milne đã đề cập đến điều đó khi gấu Pooh đưa ra kết luận (cũng là một lời ngụy biện khá thú vị):
“Tớ vừa mới nghĩ, và tớ đã đi đến một quyết định quan trọng. Đây là một bầy ong rởm.”
Lời ngụy biện của Pooh thật đáng yêu, nhưng có lẽ đó là điều đơn giản nhất mà tất cả người lớn cần phải học: tìm ra những giới hạn của mình. Ở một diễn biến khác là CHƯƠNG TÁM trong đó Christopher Robin dẫn đầu một đoàn thám hiểm tới Bắc Cực, Gấu Pooh trong một khoảnh khắc đầy bất ngờ đã nhặt lấy cây sào để cứu lấy chú bé Roo và kết thúc cuộc “thớm hiểm” chỉ đơn giản vì trong tiếng Anh “Pole” (Bắc Cực là North Pole) còn là cây sào. Có lẽ, chúng ta hãy bắt đầu đi tìm cái sào cho mình bằng cách trước hết là buông bỏ quyển sách hoặc vô vi đọc nó, vì chúng ta chẳng còn nhỏ nữa rồi, giống y như cách Pooh đã bỏ cuộc đi săn của mình:
“Dù sao,” nó nói, “cũng sắp đến Giờ Ăn Trưa rồi.”
“Thế là nó về nhà để ăn trưa.”
Khi kết thúc một quyển sách với đầy dư vị, cuối cùng ta chỉ có thể đưa ra một kết luận đơn giản, Gấu Pooh xinh xắn giống như gấu Pooh vậy, sau tất cả những điều chú làm, có thể ngốc nghếch, có thể khờ khạo, hài hước, sáng tạo v.v thì cậu là Chú Gấu tuyệt vời nhất trên cả thế gian này.
Ôi! Có lẽ đã đến lúc ta phải mua cuốn sách về và đọc cho một đứa bé nghe để hỏi xem cô cậu bé thích đoạn nào trong quyển sách rồi. Và đó cũng là một món quà vô cùng ý nghĩa và độc đáo cho những đứa trẻ ở một thế giới đang ngày bị thu hẹp lại trong một chữ Internet. Chúc mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 2017!
