Kẻ Khủng Bố (John Updike) – Bức Chân Dung Hợp Thời

Có lẽ trong lịch sử không có khoảng thời gian nào mà người ta nghe tin về các vụ khủng bố nhiều như gần đây, cách đây chỉ vài ngày, cả thế giới chấn động bởi một vụ nổ bom tại Manchester vào cuối buổi hòa nhạc của nữ ca sĩ Ariana Grande làm 22 người chết và khoảng 120 người bị thương. Một điều khiến mọi người bàng hoàng nữa là thủ phạm còn rất trẻ, 22 tuổi, cũng trẻ như Ahmad – nhân vật chính trong tiểu thuyết “Kẻ khủng bố” của John Updike khi cậu dự định thực hiện đánh bom liều chết khi vừa qua khỏi tuổi 18. Cuốn sách không chỉ cho tôi một cái nhìn sâu sắc hơn về nhân dạng của những người mang trong mình một lời thề, hay nghĩa vụ chết đi để tẩy rửa thế giới mà còn là cái nhìn vào trong xã hội Mỹ đầy bấp bênh sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9.

Karl Marx từng viết: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.” Sự gắn bó mãnh liệt của Ahmad đối với đạo Hồi có xuất phát điểm từ gia đình của cậu, khi cậu không có một sự gắn kết nào với nguồn gốc của mình. Đối với nước Mỹ, cậu chỉ là một kẻ đứng ngoài cuộc, đối với gia đình, cậu chỉ là đứa trẻ bị bỏ rơi. Sự hoang mang cộng với những thay đổi tâm lý khi lớn lên trong một xã hội mà cậu không biết gốc rễ của mình khiến cậu tìm đến niềm an ủi, một chốn nương mình: Đạo Hồi với sự hướng dẫn của thầy tu Shaikh Rashid, cậu tìm thấy lẽ sống của mình trong những câu chuyện của Thượng Đế, thấy được ánh sáng trong những dòng kinh Koran.

Nước Mỹ lúc bấy giờ đang đầy cảnh giác sau vụ khủng bố lịch sử, người dân hoang mang mất lòng tin vào chính phủ và thậm chí mất lòng tin vào nhau, họ có cái nhìn khắc khe hơn vào những người có nguồn gốc nhập cư như Ahmad, cậu bỗng chốc trở thành kẻ ngoại đạo, bị cô lập với thế giới xung quanh. Dù được sự quan tâm của người thầy hướng dẫn tận tâm Jack Levy, nhưng cậu vẫn không muốn tiếp tục học lên bất chấp khả năng của mình, đối với Ahmad: “Cậu nhận ra rằng cậu đã nuốt kiến thức mà cậu không thể nhả ra lại được…. Kiến thức cũng có thể là nhà tù, không có lối ra một khi đã bước vào.” Và quyết định trở thành một tài xế lái xe tải và làm quen với Charlie, kể từ đây, cậu cùng Charlie có những bàn luận sâu xa và cùng với những bài giảng của Shaikh Rashid, đã có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định liều mình của cậu.

John Updike có một cái nhìn thấu suốt vào cốt lõi của nước Mỹ, với sự xung đột sắc tộc và văn hóa lúc này đang đẩy lên đỉnh điểm: “Dân zanj từng không được có quyền gì. Họ phải chiến đấu mới giành được. Họ bị ném đá tới chết và không được phép vào nhà hàng, thậm chí họ có vòi nước uống riêng, họ phải đấu tới Tối cao Pháp viện thì mới được coi là con người. Ở Mỹ, không có gì là miễn phí, mọi thứ là một cuộc chiến đấu.” Dù là một người con cưng của nước Mỹ, ông vẫn rất thẳng thắn đề cập đến những vấn đề mà nước Mỹ đang gặp phải, không có chút giấu diếm, che đậy dù ông vẫn để lại những manh mối thể hiện cảm tình với đất nước của mình: những ánh nắng xuyên qua kẽ lá, những tòa nhà lụp xụp của dân nhập cư, những buổi chiều hối hả của người dân, những âm thanh sôi động của buổi sớm… được ông miêu tả đặc biệt sống động, giàu cảm xúc và có phần trìu mến, thân thương.

Đề cập đến một vấn đề nhạy cảm, John Updike giữ được một thái độ công bằng, thấu suốt cần thiết khi kể về cuộc đời của Ahmad, kẻ suýt thành tội đồ của toàn nước Mỹ: không bênh vực hay bào chữa, không đả kích hay phán xét, ông viết về con đường dẫn đến việc trở thành một kẻ tử vì đạo của Ahmad với một sự thấu hiểu đầy giản dị. Ông không trách mắng hay đổ tội cho một cá nhân nào mà đối với ông đó là cả một xã hội cần phải thay đổi, và như cuối cuốn sách, ông thể hiện rõ ràng quan điểm của mình: chỉ có sự quan tâm và cảm thông thật sự giữa người với người mới có thể có sự gắn kết, xua tan nghi kị và thù hằn giữa các tôn giáo, sắc tộc nhưng mà cái quá trình ấy mới gian nan, thử thách làm sao.

Được viết cách đây hơn 10 năm, nhưng hình ảnh của Ahmad được John Updike dựng nên trong “Kẻ khủng bố” vẫn là một bức chân dung vô cùng hợp thời. Ông đã nắm bắt được cốt lõi và những khoảnh khắc đưa đến quyết định của một con người. Những vấn đề được ông đề cập trong cuốn sách không chỉ gói gọn trong nước Mỹ mà giờ đã là mối quan tâm của toàn cầu. Một lần nữa, John Updike khẳng định: nhà văn lớn là người có thể tiên tri trước thời cuộc.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.