Nếu bạn đã đọc Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar và không thấy gì buồn cười thì đừng lo, vì tôi cũng thế.
Chính vì điều đó mà “nhạt” là một từ hết sức phù hợp để diễn tả cuốn sách, tôi cảm giác như Thomas Cathcart và Daniel Klein nắm rất rõ lý thuyết gây cười – tôi có thể nhận ra những mấu chốt làm “xáo trộn cảm thức” độc giả, nhưng họ thiếu điều gì đó để tiếng cười ấy vang lên. Hay tôi mới là người thiếu gì đó? Hãy để tôi kể cho bạn một truyện cười ngắn được lấy ngẫu nhiên từ cuốn sách trước khi chúng ta đi sâu vào nó:
Hai con bò đứng trên đồng cỏ. Một con nói,
“Cậu nghĩ thế nào về cái bệnh bò điên này?”
“Tớ quan tâm làm quái gì?” con kia đáp. “Tớ là một chiếc trực thăng.”
Nếu câu chuyện trên làm bạn phải bật cười thì tôi sẽ tin vào khiếu thẩm định của tôi hơn là khả năng chọc cười của hai vị triết gia trên. Tất nhiên, bạn có thể tìm thấy một vài mẩu chuyện cười thực sự thú vị nhưng từ góc nhìn của tôi, “triết tếu” giống như một vỏ bọc cho những bài học triết học khô khan hay như những lý thuyết được bọc đường cho dễ nuốt, như cách mà Bùi Văn Nam Sơn miêu tả tác phẩm “Trò chuyện Triết học” của ông.
Nét nguy hiểm trong cuốn sách tôi cho rằng cũng là ở đấy, bằng cách gắn mác “triết tếu”, hai vị tác giả của chúng ta đã biến cả thế giới thành một câu chuyện cười nhỏ khi ai cũng cố gắng tìm những khía cạnh hài hước trong mỗi truyện cười được đưa ra. Cũng có thể bằng một tư duy phương Tây, những minh họa hài hước của Thomas Cathcart và Daniel Klein không thể chạm tới được dây thần kinh cười của những người Á Đông như tôi. Tuy nhiên, tôi thích nhìn nhận theo cách cả thế giới là một trò cười hơn, và không ai khác ngoài chính tôi chịu trách nhiệm cho tư tưởng của mình như cách hai tác giả đã nhận trách nhiệm về phía họ trong “Lời cảm ơn”. Nếu không thích, bạn hãy kéo lên và đọc dòng thứ hai.
Những truyện cười trong Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar vào quán bar được dẫn ra rất tự nhiên, có khi là dẫn chứng cho những lý lẽ, đôi khi lại là minh họa, lúc khác có thể là một cách dẫn nhập vào những tựa đề to lớn trong thể loại sách Triết Học vẫn đè nặng lên chúng ta mỗi khi nghĩ về nó.
Cuốn sách có thể không thực sự hài hước, nhưng lại vô cùng vui vẻ, điều đó giải thích cho việc bạn có thể dễ dàng đọc hết một tác phẩm có những khái niệm khổng lồ như vậy. Đừng ngạc nhiên khi ai đó nói với bạn rằng cuốn sách tập trung quá nhiều vào việc giới thiệu những tư tưởng mà không đào sâu vào vấn đề, điều đó đúng, một phần vì trong một cuốn sách mỏng tương đối như vậy, tác giả không thể nào truyền tải được toàn vẹn mấy ngàn năm chặng đường Triết học.
Mặt khác, tôi vẫn tin rằng một người thầy vĩ đại là người thầy truyền cảm hứng. Cách cuốn sách nêu ra những vấn đề Triết học cùng với những câu chuyện đi kèm luôn tạo sự hứng thú để kéo dài mạch cảm xúc của độc giả. Có thể xem quyển sách là một dạng ngôn tình với những giọng kể độc đáo, được thay đổi linh hoạt? Ở đó, hai tác giả đã vô tình tạo cho người đọc một cảm giác muốn đọc tiếp, muốn biết thêm về câu chuyện tình yêu mang tên Triết học, mà có thể lắm hai nhân vật chính là Dimitri và Tasso và không bao giờ mong nó kết thúc; tôi cho rằng đó là thành công to lớn nhất của người viết.
Những câu chuyện hai triết gia đem đến cũng rất cuốn hút, có một chút đa nghĩa. Chúng làm người đọc phải hết sức tỉnh táo để nhận ra mối liên kết giữa câu chuyện và những dòng bình luận, hoặc chìm sâu vào giấc ngủ do quá khó hiểu, ở một mức độ nào đó. Vì vậy tôi khuyên bạn hãy đọc vào buổi sáng để dễ ngủ, hoặc buổi tối để có thể thức hàn thuyên cùng bạn bè. Có những lúc hai tác giả lại thích bỏ lửng câu chuyện cười ở đó và để lại những khoảng trống, lắm khi họ mềm dẻo khi thêm vào những phần “Câu hỏi kiểm tra”. Bằng cách nào đó, những câu hỏi hai vị triết gia đưa ra luôn cặn kẽ hơn bất kì câu trả lời nào họ đem lại (theo Claudio Magrid).
Về cá nhân tôi, điều tôi thích nhất ở tác phẩm là cách hai triết gia tư duy, bằng cách tìm mối nối từ những bình luận và lý lẽ, tôi dần hiểu được những điều triết gia suy nghĩ và cách họ tư duy, cách họ đối mặt với những tình huống ngoài cuộc sống hoặc đơn giản hơn là những gì họ thấy ở trước mắt.
Sau cùng, tôi sẽ nói đôi lời về những dòng yêu thích của tôi trong quyển sách, và chúng cũng ở những trang sau cùng của tác phẩm, phần Những khoảnh khắc vĩ đại trong lịch sử triết học : “1844. Chán bị gọi là ‘Chàng Đan Mạch u sầu’, Kierkegaard định đổi quốc tịch. 1900. Nietzche chết. Thượng đế chết sáu tháng sau đó vì vỡ tim.”
Những dòng tóm tắt trên vừa hài hước, vừa giúp ta nhanh chóng ôn lại bài sau kì “Thi cuối khóa” chắc chắn không thể nào thảm hại hơn. Nhưng hãy cẩn thận, bài thi cuối khóa có thể ở bất cứ đâu mà tôi sẽ nói nhỏ cho các bạn biết là trong một phần của tác phẩm, hai tác giả đã âm thầm kết luận ngược lại với những gì mình vừa nói ở đầu mục, chính vì thế, hãy cảnh giác!
