Con người triệu hồi cái ác bằng cách nào?
Tưởng chừng đơn giản, nhưng đây là câu hỏi xuyên suốt trong cuốn Bác sĩ Jekyll Và Ông Hyde (Dr Jekyll and Mr Hyde) của Robert Louis Stevenson mà bất kỳ người đọc nào cũng có thể nghĩ đến khi đọc tác phẩm ra đời năm 1866 này. Cuốn sách này khiến tôi không khỏi liên tưởng đến hình ảnh con quái vật được tạo ra bởi giáo sư Frankenstein, khao khát một sức mạnh phi thường và tham vọng vươn đến hoàn hảo đã rút hết mọi thứ của ông để tạo ra một con quái vật. Nhưng khi nó ra đời, chính ông lại chối bỏ nó vì hình dạng kỳ dị bên ngoài. Và cái ác của con quái vật bắt nguồn chính là nỗi cô độc và bị chối bỏ.
Nếu nữ văn sĩ Mary Shelley với tác phẩm kinh điển của bà, Frankenstein đặt ra một câu hỏi khá hay: Cái ác bắt nguồn từ đâu? Thì Bác sĩ Jekyll Và Ông Hyde lại đặt ra một câu hỏi khác cũng khiến cho con người ta không ngừng truy vấn: Liệu có sự tồn tại riêng rẽ giữa thiện và ác? Dĩ nhiên đó không hẳn là lý do mà Robert sáng tạo ra câu chuyện này. Nhưng nhiệm vụ của một tiểu thuyết nếu không tự để cho người đọc nghĩ ra câu hỏi và đi tìm lời giải đáp, thì vai trò của cuốn sách gần như sẽ rất mờ nhạt.
Bên cạnh việc mô phỏng một con người có thể tồn tại song song hai nhân cách, thì cuốn sách cũng khiến cho tôi nghi hoặc khá nhiều về khả năng chế ngự cái ác bên trong của mỗi chúng ta. Cái ác của con quái vật Frankenstein hay Mr Hyde có thể nói đều đến từ một hành động tàn nhẫn của con người, đó chính là sự chối bỏ. Loài người chối bỏ Frankenstein, Mr Jekyll chối bỏ “nhân cách” Mr Hyde. Suy cho cùng, con người không bao giờ tạo ra các vị thánh, tách bạch thiện – ác, hay tạo ra một cá thể có sức mạnh vô song chưa bao giờ là những kế hoạch thành công của loài người.
Bác sĩ Jekyll Và Ông Hyde trước hết là một tác phẩm văn học hiếm hoi bóc tách sự thật về tính khó ngờ trong nhân cách của một cá nhân, giúp tôi truy vấn về sự phức tạp trong mối quan hệ giữa con người và quỷ dữ, vây xung quanh đó là xung đột của các cá thể trong cùng một xã hội. Họ sinh tồn và che giấu đi bản tính quỷ dữ trong mình, để rồi đến một thời điểm nào đó, những cá nhân xuất sắc tìm cách bào chế loại thuốc có thể chế ngự cái ác, xua đuổi, tống khứ cái ác ra khỏi bản thể của sự sống. Một công trình phi thường để chống lại điều bình thường.
Tuy nhiên cá nhân tôi không có ấn tượng nhiều với văn phong miêu tả trong cuốn sách này, cái ác quá mềm mại, và chỉ như là một cuốn sách trinh thám bình thường, trái với mong đợi của tôi sau khi đọc Frankenstein (Mary Shelley), ở đó cái ác và cái thiện có những màn đối thoại lẫn độc thoại hết sức bình thản và lôi cuốn, từng con chữ đều gồng gánh thêm sức nặng cần thiết cho những mạch ngầm sâu xa thông điệp của tác giả. Còn đối với Bác sĩ Jekyll Và Ông Hyde, điều này rất tiếc lại khá thưa thớt. Hay là tôi chưa nhận ra cái hay thực sự của cuốn sách được gọi là tác phẩm kinh điển này?