Số Không – Bức chân dung của một nền báo chí thoái hóa

Thời đại chúng ta với tinh thần tức thời mà Milan Kundera đã nói: “thu gọn thời gian vào mỗi khoảnh khắc hiện tại” (reduces time to the present moment only) mà đánh mất đi “tinh thần của tính liên tục” (spirit of continuity) vốn có của tiểu thuyết.

Đến với tác phẩm Số Không, Umberto khéo léo hòa hợp cả hai: tinh thần tức thì của thời đại báo chí và tinh thần tiểu thuyết – soi sáng những góc khuất tối tăm của thân phận con người trong lịch sử, “kết nối quá khứ và tương lai” (connect the past with the future) – cuộc chiến của cha ông ngày trước và thân phận hậu chiến của con cháu ở lại với dư âm của đổ vỡ không thể nào xóa bỏ.

Số Không xoay quanh các nhân vật làm cho một tờ báo ma sẽ không bao giờ được xuất bản là tờ Ngày mai : Simei, Braggadocio, Maia Fresia, Cambria, Lucidi, Palatino, Costanza và Colonna cũng chính là người kể chuyện. Số Không gồm 12 kì: 0/1, 0/2 đến 0/12 là tờ báo được làm ra nhằm uy hiếp những nhân vật quyền thế với mục đích bước vào thánh địa của Vimercate là ông chủ tờ báo.

Vốn là một nhà kí hiệu học nổi danh với tác phẩm Tên Của Đóa Hồng, trong tác phẩm lần này, Eco liên tục đưa các cụm từ để ta giải mã khi theo dõi tác phẩm. Cụm từ : “Hôm qua: ngày mai” hầu như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tờ báo Số không cũng như cả quyển tiểu thuyết, một cách chơi chữ vô cùng thông minh của ông.

Nhân vật Colonna – người trần thuật chính kể về ngày hôm qua vàng son chứa đựng những bí mật kinh hoàng của tờ báo Ngày mai sau khi nó sụp đổ. Mặc khác, “Ngày mai: hôm qua” cũng chính là phương châm làm việc của tờ báo này: “tờ Ngày mai sẽ xuất hiện như thế nào nếu nó được xuất bản vào ngày hôm qua”, kể lại những sự kiện đã qua nhưng cho đề thời gian xuất bản trước đó, như thể một lời tiên tri hoặc một âm mưu được sắp đặt từ trước bị rò rỉ. Tờ Ngày mai muốn là người đi trước tương lai, quả thật ngày mai là tương lai của ngày hôm qua, và đồng thời chính là hiện tại.

Hiện tại là biểu hiện cho tinh thần báo chí, tính tức thời của thời đại chúng ta. Sự ‘lên voi xuống chó’ của các giá trị trong tích tắc không ở đâu rõ hơn báo chí. Nếu vài tiếng trước thông tin ấy quý như vàng thì vài tiếng sau chỉ là một mớ chữ vụn trong đống báo xếp xó. Báo cũng như người, cũng chỉ có thời, mà thời một từ báo chỉ kéo dài trong vài tiếng hơn. Các chương mà nhìn vào mục lục là một chuỗi thời gian gây ấn tượng cuộc chạy đua các sự kiện của giới truyền thông. Chúng ta chạy theo hiện tại và xu nịnh tương lai.

Trong quyển tiểu thuyết này, ông vạch mặt những chiêu trò của giới làm báo. Đằng sau những ngôn ngữ vốn là khách quan vốn là một sự thật chủ quan đã được lèo lái.

Nhân vật Simei phát biểu rất chí lý: “Không phải tin tức làm nên tờ báo mà tờ báo làm nên tin tức”. Không phải tất cả tin tức đều trong tờ báo nhưng tờ báo hầu như là tất cả tin tức bạn có thể có. Đọc báo nghĩa là họ đưa cho ta những mảnh ghép sự thật mà bản chất mỗi mảnh riêng lẻ tồn tại ý nghĩa độc lập. Nếu ta không khôn khéo quan sát để ghép chúng để hình dung bức tranh của sự thật toàn cục, thì ta đánh giá phiến diện qua một mảnh sự thật mà “một nửa sự thật thì không phải sự thật”. Việc làm báo không còn là viết như thế nào mà còn là cắt ghép như thế nào, không phải nói dối như thế nào mà nói thật như thế nào để nó chẳng khác chi một lời nói dối. Báo chí để ta tự rơi vào tròng và hài lòng với đạo đức khách quan và trung thực. Và như vậy, rộng hơn, Umberto Eco muốn nói với ta rằng: “các cơ thể hồng hào của thiên thần là gì nếu không phải lớp vỏ bọc lừa dối khoác ngoài mọt bộ xương, cho dù có thuộc nơi thiên đàng đi nữa”.

Ngoài ra, tác phẩm truy lùng và vạch trần tấm màn che giấu lịch sử đầy dối trá của các thiết chế chính trị. Chúng ta phải luôn hoài nghi, thậm chí cả lịch sử chúng ta được học, bởi thứ tưởng chừng khách quan nhất vẫn có thể là sự tô vẽ của chủ nghĩa anh hùng với bản chất là những hung thần khát máu. Lịch sử vẫn có thể hư cấu như tiểu thuyết nhưng như Umberto Eco nói : “sự thực còn vượt quá trí tưởng tượng, và giờ chẳng ai có thể tưởng tượng điều gì nữa”. Con người có thể kinh khủng hơn họ có thể tưởng tượng được. Bao thân phận bị nghiền nát khi bánh xe lịch sử lăn qua, để lại tàn tích trên từng mảng tường vốn là thịt da thành phố, phảng phất mùi chết chóc cùng vọng âm của tiếng nổ thổn thức trong đêm của thế hệ hậu chiến lạc loài.

Bằng những xảo thuật tinh vi, báo chí đã đạo diễn một vở chính kịch mà sau khi hé màn, khi những nhân vật lịch sử bước ra ánh sáng với sự thật được hé lộ khiến ai nấy cũng phải bàng hoàng.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.