“Hôm qua
Là hôm kia của ngày mai
Là ngày mai của hôm kia”
(Yesterday – Những người đàn ông không có đàn bà)
Rừng Na-uy của Haruki Murakami cũng giống như khung thời gian đóng kín ấy, tác giả không chỉ thao túng ngôn từ mà còn thao túng cả thời gian và không gian, cả niềm đau và nỗi nhớ. Tôi phải viết ra, như nhân vật chính trong cả tác phẩm – Toru Watanabe, để chấm dứt những chuỗi kích động, để suy nghĩ và thấu hiểu chúng. Hơn thế, giống như Naoko đã cầu xin Toru đừng bao giờ quên nàng, và hãy nhớ rằng nàng đã từng tồn tại, tôi phải viết ra để thỏa nguyện ước của cuốn sách, của những bút tích nhà văn đang rơi vào khoảng không của nhịp điệu:
“I once had a girl
Or should I say she once had me
She showed me her room
Isn’t it good Norwegian wood?”
Trong Rừng Na-uy, tôi thích cách Haruki Murakami cứ liên tục đổi nhân vật để cùng với Toru Watanabe làm điểm tựa cốt truyện rồi lạnh lùng dẫn dắt từ hết chuyện này qua chuyện khác. Không thể trách được người ta nói ông quá “Tây” nhưng có lẽ nói thế là phủ nhận một nước Nhật hiện đại vì ông không phải những gì nằm ngoài xứ sở của ông. Song, những trò đùa táo tợn, hay một cách chơi chữ tinh tế cũng rất đáng du nhập: “Thế giới thanh bình và tràn ngập tiếng cười mỗi khi được nghe chuyện về Quốc-xã”. Nếu đọc Rừng Na-uy từ đầu đến cuối thì đoạn này sẽ không làm bạn giật mình bởi Quốc-xã đơn giản là biệt danh được đặt cho một người bạn chung phòng với Toru ở học xá vì anh ta quá sạch sẽ.
Tác giả làm những điều bất ngờ hơn thế với cốt truyện của mình, những nhân vật xen kẽ, Naoko, Kizuki, Nagasawa, Hatsumi, Reiko và Midori. Câu chuyện bám vào những nhân vật phụ đó, tạo điểm nhấn. Và bắt đầu từ chương 7 (trong 11 chương), Murakami đã đẩy nhịp của câu chuyện, không còn những chuỗi dài yên bình, những mùa thu trôi chậm như những đám mây trên không, cái kết của Rừng Na-uy kéo dài đến năm chương như cái chết của ba nhân vật vẫn bám lấy những nhân vật còn lại, và không có một trích dẫn nào có thể để lấy ra. Toàn bộ câu chuyện là dẫn chứng, những nỗi đau của tuổi trẻ, tất cả những gì họ ao ước là được ở mãi tuổi 18, 19 nhưng rồi thật ra họ đang mắc kẹt. Ngay cả những người duy nhất có ý thức thoát ra khỏi mớ hỗn độn kí ức ấy – Watanabe – cũng đã chết theo một nghĩa nào đó. Nếu xem Rừng Na-uy như một triết luận của hiện tại và quá khứ thì cái kết là một cái kết lửng. Người ta không biết cuộc gọi ấy có thực hay không, hay chính cái khao khát được sống đã vượt lên trên cả thực tại và Toru đã quá vội để nhận ra vị trí của mình? Cuộc điện thoại là chiếc phao cuối cùng, là cầu nối giữa Watanabe với thực tại và cậu đã nắm chặt lấy nó?
Tôi luôn thích Midori, có thể cho rằng Midori là biểu tượng của cầu nối với thực tại và sự sống nhưng hãy bỏ những ý niệm qua một bên và chỉ nhìn vào “màu xanh” (nghĩa của Midori trong tiếng Nhật). Những trang giấy có Midori luôn là trang giấy màu sắc giữa những khoảng tối không màu, những thước phim đầu tiên có gì khác ngoài trắng đen. Dù xuất hiện rất sớm, ngay chương thứ tư nhưng hầu như sự xuất hiện của cô hơi một chút đường đột, nó phá vỡ một thứ gì đấy, có thể là mạch truyện. Đúng thế, câu chuyện là của cô và cô có thể bước vào bất kì lúc nào. Midori là nhân vật yêu thích của tôi, cô luôn nằm ngoài những khuôn khổ và không ai có thể bắt bẻ được cô, đơn giản, cô là chuyên gia trong vấn đề ấy. Midori tạo cho tôi một cảm giác an toàn, một bến bờ vững chắc như cách cô thuyết phục Toru yêu cô vậy, cô là một món hời. Thành công của Murakami là ở chỗ ông làm mọi người bị cô thuyết phục, bởi vẻ đẹp, bởi cách nói chuyện đầy lôi cuốn và kích thích, lối sống gợi cảm. Không chỉ nhân vật trong câu chuyện bị cô lôi cuốn mà còn chính những độc giả. Cách nhà văn miêu tả tình yêu của Toru và Midori cũng thế, là một chấm hồng nhưng đủ để dừng lại ở đó trước khi bước sang một thể loại khác của tiểu thuyết. Điểm khác biệt giữa cô và Naoko là cô rất đẹp nhưng rất thực, người ta tưởng chừng như chạm được vào cô, hôn cô và ngủ với cô. Câu chuyện mỗi khi có cô cũng khác, nó là những ly rượu đắm say ở chương 7, chương 9 và cuối chương 10. Người ta tìm thấy sự giải thoát ở cô, một ham muốn được sánh cùng cô mọi lúc. Cũng chính ở những phần vừa nói trên, người ta thấy một khúc nhạc vui của tâm trạng, chúng kéo những phần u ám còn lại đi tiếp đến cuối truyện. Nếu xem tình dục trong Rừng Na-uy là cách nhân vật của Murakami giải quyết những vấn đề của mình thì đúng thế, sự xuất hiện của Midori cuối chương 10 là một bước đệm, một sự chuẩn bị kín đáo cho chương cuối:
“Có muốn sờ vú tớ, hay dưới này không?” Midori hỏi.
[…]
“Vậy thì alê, ra đi nào.”
Khi tôi đã xong, Midori nhìn kĩ đám tinh dịch của tôi. “Uao! Nhiều thật đấy!”
“Quá nhiều ư?”
“Không, ôkê mà, đồ ngốc. Ra hết đi nào,” cô nói với một nụ cười. Rồi hôn tôi.
Vấn đề tình dục trong Rừng Na-uy luôn là một vấn đề nóng, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, và khi nói về chuyện này, hãy quan tâm một chút về một cô gái còn lại của Haruki Murakami:
“Nếu nó tuyệt đến thế, sao em không ở với Watanabe và ngày nào cũng làm chuyện ấy?’ Nhưng cô ấy nói ‘Không được chị ơi, em biết nó sẽ không bao giờ được như vậy nữa. Em biết chuyện đó chỉ đến với em một lần thôi và sẽ ra đi không bao giờ trở lại. Đó phải là cái gì đó chỉ có được một lần trong đời. […] Em chỉ không muốn bị xâm phạm như vậy nữa – với bất kì ai”
Tôi chợt có cảm giác Haruki Murakami đã biểu tượng hóa tình dục với Naoko như một khoảnh khắc sống vậy. Chỉ có một lần, và cô đã chọn đó là lần duy nhất. Cuộc sống mỗi chúng ta, có thể là một bài hát, có thể là một khoảnh khắc ân ái nhưng chỉ có một lần – chỉ có một lần bài hát vang lên làm ta nhớ mãi, chỉ một đêm đầu tiên nâng niu những đêm còn lại, và chỉ một người ta nhớ mãi. Nhưng đừng để những điều đó là cuối cùng.
