Lời nói dối hoa mỹ – Giọt nước mắt không của riêng ai

Tôi đọc ‘Lời nói dối hoa mỹ” sau một vụ chấn động ở nơi làm việc, một cô đồng nghiệp lớn tuổi sắp nghỉ hưu nhảy lầu tự sát do trầm cảm, dù đã được điều trị thuốc tích cực cũng không thể ngăn được ý định tự sát của cô. Bệnh trầm cảm là một căn bệnh thật sự đáng sợ, vì thật sự không có dấu hiệu nào báo trước ý định tự tử, quá trình điều trị thì kéo dài phải kết hợp nhiều phương pháp và thời gian tác dụng của thuốc thì khá chậm. Tôi xin nhắc lại một vụ chấn động nữa: cuối tháng 2 năm 2017, nhiếp ảnh gia tài ba Ren Hang tự kết liễu đời mình ở tuổi 29, nguyên nhân là do những tháng ngày trầm cảm kéo dài. Có thể nói, bệnh trầm cảm không từ một ai, và có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, trong “Lời nói dối hoa mỹ”, Chon Ji mới 14 tuổi cũng đã tìm đến cái chết khi không thể thoát được những tháng ngày phải sống trong cái thế giới quá đỗi tàn nhần với cô bé.

Cuốn sách mở đầu bởi một khung cảnh rất đời thường thậm chí có phần đầm ấm, dù có đôi chút cải vã giữa người mẹ cùng hai đứa con: chị em Chon Ji và Man Ji. Người đọc không hề được chuẩn bị tinh thần cho một cái chết có phần đau đớn: Chon Ji tự sát khi mới 14 tuổi. Cái chết của Chon Ji thật sự là một bí ẩn, bởi vì dù có phần lầm lì ít nói, nhưng Chon Ji không có bất kỳ biểu hiện nào của việc muốn tự sát. Và Man Ji mới góp nhặt những mảnh ghép còn sót lại cùng những cuộn len Chon Ji đã thêu tặng cho những người thân với mục đích hòng giải mã cái chết của đứa em gái.

Dù tôi dùng căn bệnh trầm cảm như lời mở đầu cho câu chuyện của Chon Ji nhưng thật ra “Lời nói dối hoa mỹ” không nói sâu về căn bệnh này mà là một hồi chuông cảnh tỉnh về một vấn nạn khác: bạo lực học đường và sự cô lập đến mức độc ác mà các cô cậu bé có thể gây ra cho những người bạn của mình. Lật lại những câu chuyện và lời tâm sự của Chon Ji, người đọc được dẫn dắt đến câu chuyện của người bạn tưởng chừng là thân nhất của cô bé: Hwa Yeon, người bạn luôn ở cạnh Chon Ji nhưng thực chất lại ngấm ngầm cô lập Chon Ji khỏi những người bạn khác, biến sự xuất hiện của Chon Ji trở thành trò cười và khiến cô trở thành một nhân vật lập dị trong lớp mà không ai muốn dính vào. Chỉ có một người nhận ra được những trò tai ác của Hwa Yeon là Mi Ran nhưng cô bé cũng chọn cách im lặng thay vì lên tiếng, để rồi Mi Ran phải chịu sự oán trách của người chị cái Mi Ra – đồng thời là bạn học của Man Ji.

Nhân vật kể chuyện liên tục thay đổi, người đọc sẽ từ từ hiểu được tâm sự của Chon Ji, nỗi đau đớn của người mẹ mất con, người chị mất em, sự ray rứt của Mi Ran và Mi Ra và sự dằn vặt của Hwa Yeon. Như từng lớp của một củ hành, câu chuyện của từng người dần dần được bóc tách đến tận lõi, thật ra cả năm cô bé đang trong độ tuổi lớn lên ấy (Chon Ji, Man Ji, Mi Ran, Mi Ra hay Hwa Yeon) đều không có một cuộc sống vui vẻ trọn vẹn, đó có thể là sự mất mát không thể bù đắp nổi của người cha, hay nỗi buồn và cô độc vì là con gái một nhưng thiếu sự quan tâm của đấng sinh thành, hay nỗi lo sợ bởi người cha bạo ngược, luôn hành hạ con gái cả về thể xác lẫn tinh thần. Cả năm cô bé đều ít nhiều trải qua trạng thái gần với trầm cảm nhưng mỗi người lại chọn những cách khác nhau để thoát khỏi nó, mà trong đó Chon Ji đã tìm cách tự kết liễu đời mình.

Trong lời tâm sự ở cuối cuốn sách, Kim Ryeo-ryeong viết: “Bởi có ngày tôi cũng nhận ra rằng trong cuộc sống này không chỉ có những người làm cho tôi mệt mỏi và chán chường mà còn có một ai đó thật sự lo lắng và dõi theo tôi.” Thật ra trầm cảm là một trạng thái tâm lý khá phức tạp, phải kết hợp với việc điều trị thuốc và điều trị tâm lý, không chỉ đơn thuần một lời nhắn nhủ động viên có thể giúp người bệnh vượt qua được căn bệnh này, thế nhưng không thể phủ nhận sự quan tâm của những người thân với người bệnh là một điều hết sức cần thiết, bởi đôi lúc sự quan tâm là sợi dây gắn kết người bệnh lại với thế gian, sự quan tâm để có thể đánh giá chính xác trạng thái tâm lý của người bệnh, giúp họ có can đảm để đến gặp bác sĩ và đối mặt với căn bệnh của mình.

Tình cảm gia đình cũng là một điểm sáng trong “Lời nói dối hoa mỹ”, người đọc sẽ cảm động với nỗi đau của người mẹ bất lực khi không thể níu giữ đứa con gái của mình ở lại thế gian này: “Nước mắt của một người mẹ mất con là giọt nước mắt trào ra như thể bị moi móc tim gan, bị chọc mù đôi mắt của chính mình. Không dễ gì an ủi, không dễ để nhận sự an ủi, một giọt nước mắt tận sâu đáy lòng.”, hay tình cảm không thể nói thành lời của người chị dành cho đứa em đã mất để rồi cảm thấy hối hận không nguôi.

Và điều cuối cùng còn lại trong cuốn sách, có lẽ đó chính là sự tha thứ, những bức thư mà Chon Ji để lại cho những người thân đều không có lời nào oán trách. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi cái chết của cô bé không dẫn đến một điều rồ dại nào khác dù đã có những lúc các cô bé trong cuốn sách suýt tí tự hủy hoại mình. Nhưng liệu cái chết của Chon Ji có mang lại sự thay đổi, ngoài kia có bao nhiêu cô bé, cậu bé phải chịu cảnh cô lập và bắt nạt như Chon Ji và đang suy nghĩ đến cái chết? – không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Đó là một câu hỏi, tôi nghĩ, không dễ để trả lời.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.