Nhật ký Anne Frank

“Trốn đi trốn đi không đời giết ta lần nữa”

Có lẽ đây là lời hát quá phổ biến hiện nay mà hầu hết giới trẻ đều biết. Tôi đang cố gắng giải thích tại sao một tác giả trẻ lại có thể sáng tác những ca từ tuyệt đến thế, một giai điệu đơn giản lại có thể nói lên nhiều điều như vậy. Tôi nhận ra người ta cũng dành những câu hỏi tương tự với Nhật kí Anne Frank, “Nhật Ký Anne Frank làm cả thế giới rung động bằng những ghi chép thường nhật của một cô gái mới lớn giữa thời chiến.”

Có người tìm kiếm những điều to lớn ở những thứ nhỏ bé, một số người tìm thấy sự vô thường ở cuộc sống thường nhật. Đôi người đọc để giải trí, vài ba người tìm kiếm những triết lý nhân sinh. Nhưng ở Nhật ký Anne Frank, tôi chỉ thấy cô gái tôi hằng tìm kiếm, như cách Bá Nha đập đàn vào đá vì biết mình từ nay vĩnh viễn không còn bạn tri âm, hay cái cách Gimpei (Hồ- Kawabata Yasunari) đến cùng trời những cô gái của mình. Song, hơn thế, tôi muốn đảo lộn dòng thời gian, làm sống dậy những trang giấy kia vì tôi muốn được nhìn thấy những dòng chữ xinh xắn, muốn được nhìn thấy đôi má đồng tiền. Nhưng “Người chết thì bất tử”, họ vốn đã sống, và đang sống, tất cả những gì chúng ta đang làm là để lý trí kiểm soát mọi thứ, trong khi nó vốn không thực.

 

Tại sao tôi phải dài dòng như vậy, phải, tôi đang lảng tránh. Như cái cách tôi lảng tránh dòng chữ “THỨ BA, NGÀY 01 THÁNG 8 NĂM 1944” (là ngày viết những dòng nhật kí cuối cùng của Anne Frank), tôi lảng tránh cảm xúc gây đau khổ cho tôi hơn một tháng mỗi lần nhìn vào bìa cuốn sách, trước khi những công việc hằng ngày cuốn trôi và tẩy rửa sau đó là thanh trùng.

“Vào những lúc như thế này, bố mẹ và chị Margot cũng chẳng còn quan trọng gì với tớ nữa. Tớ lang thang từ phòng này sang phòng khác, đi lên đi xuống cầu thang, cảm thấy mình giống như một chú chim biết hót đã bị tước đi đôi cánh và cứ lao đầu vào những cái nan của chiếc lồng tối. “Thả tôi ra, cho tôi tới nơi có không khí trong lành và tiếng cười vui vẻ!” một giọng nói hét lên trong tớ. Tớ thậm chí còn không buồn trả lời nó nữa, mà chỉ nằm ra đi văng.”

Đáng lẽ sẽ có một trích dẫn đầy đủ hơn được đưa ra nhưng thế này có lẽ đã quá nhiều. Hãy nhìn vào những dòng chữ đó để thấy cách Anne thẳng thắn đưa ra suy nghĩ của mình. Những suy nghĩ đầy quyết liệt, tha thiết, có vẻ đầy âm hưởng bi quan của cuộc sống ngột ngạt nơi “Nhà phụ”, nhưng thật ra đó là một lòng ham sống, một ý thức sống căng mọng sinh lực được bốc thành những ngọn lửa và thiêu cháy những thứ xung quanh: “Thả tôi ra, cho tôi tới nơi có không khí trong lành và tiếng cười vui vẻ!”. Cái khao khát được sống của Anne Frank không chỉ dừng lại ở bốn bức tường mà còn nói về những thứ bên ngoài kia, “Thế nào là được sống?” và cái cách cô dũng cảm đấu tranh với chính mình và những người chung quanh để được sống, những khủng hoảng tâm lý của tuổi trẻ và tình yêu, những mất mát của tuổi trẻ chôn vùi trong chiến tranh mang chiếc mặt nạ “Nhà phụ”. Đôi khi những dòng chữ kia đầy lý lẽ như một triết gia, đôi khi lại vui vẻ hồn nhiên, có lúc mãnh liệt, đôi khi hài hước, tất cả như chính cô bé nói, có hai con người bên trong cô: không phải con người tốt và con người xấu, chúng đều có những nét riêng và đều là Anne Frank, Anne Frank chính hiệu nhưng chỉ có một Anne Frank mọi người nhìn thấy ở bên ngoài, người còn lại thì ẩn mình trong những trang sách, thở.

“Giấc ngủ sẽ đẩy sự im lặng và nỗi sợ hãi khủng khiếp đó đi nhanh hơn, thúc đẩy cho thời gian trôi mau, vì thời gian thì không thể giết được.”

Tôi cũng thích cái cách cô gái suy nghĩ, luôn độc đáo và trưởng thành. Những suy nghĩ người lớn thì khác. “Từ trong sâu thẳm, người trẻ thường cô đơn hơn người già”. Cách Anne nhìn mọi vật luôn thay đổi như cách con người ta vẫn thay đổi trong độ tuổi trưởng thành đó, nhưng tất cả cũng đầy sự cô đơn, một ham muốn được chia sẻ và trải nghiệm. “Giờ đọc lại nhật kí của mình sau một năm rưỡi, tớ thấy ngạc nhiên vì sự ngây thơ trẻ con của mình. Trong thâm tâm tớ biết mình không bao giờ còn có thể ngây thơ như thế được nữa, dù tớ muốn được như vậy biết bao.” Cuộc sống thúc đẩy người ta phải vội vã, nhưng trong cái hoàn cảnh của Anne Frank thì dường như khác một ít, nhịp sống chậm đẩy người ta phải nhanh lên, phải tạo ra tiếng ồn, phải náo động; chiến tranh bắt người ta phải ý thức về nỗi đau trong khi chưa kịp chấp nhận những mất mát.

Cũng đã một lúc từ khi tôi đọc Nhật ký Anne Frank, những dòng chữ đã trôi đi như cách những trang sách đóng lại, khác với cái khao khát của cô bé “Suốt quãng thời gian ở đây tớ đã khao khát lòng tin, tình yêu và sự thân mật về thể xác một cách vô thức và thỉnh thoảng là có ý thức. Có thể mức độ khao khát đã đổi thay, nhưng nó vẫn luôn còn đó”, thứ vẫn luôn còn đó trong tôi là một nỗi đau, một miền hoài niệm, một cánh tay đã bị chặt đứt và những giọt máu đã khô lại như ý thức về nỗi đau chiến tranh đã nguội lạnh.

One Reply to “Nhật ký Anne Frank”

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.