Trao em mặt trời (Jandy Nelson) – Bức tranh rực rỡ sắc màu

Mười bốn tuổi, bạn phải đối mặt với điều gì: những buổi học thêm dài dặt ở trường, những cơn cảm nắng bất chợt của tuổi học sinh, những bài kiểm tra khó nhằn, những giận hờn với người bạn thân hay là gì đó hơn thế. Bạn có đối mặt với những giấc mơ tan vỡ, những niềm tin bị đánh mất, những nỗi đau không biết chia sẻ cùng ai, những nỗ lực để trở thành gì đó lớn lao hơn như Jude và Noah trong “Trao em mặt trời” phải đối mặt, như một trò chơi yêu thích của hai chị em: phân chia thế giới giữa họ, lựa chọn và trao đổi giữa mặt trời, cây cối hoặc đại dương. Dường như cái thế giới này quá nhỏ bé, không đủ lớn đối với hai chị em Jude và Noah khi họ đều mang trong mình những đam mê, những dằn vặt quá lớn, chỉ chực chờ bùng nổ.

Jude và Noah vốn là hai chị em sinh đôi, nhưng không có điểm gì chung giữa họ, nếu ai đó nhìn lướt qua sẽ nghĩ như vậy nhưng thực chất hai chị em có rất nhiều điểm chung, và chính vì vậy Jude và Noah luôn muốn khẳng định bản thân như một thực thể khác biệt, trở thành một con người trọn vẹn như chính mình thay vì chỉ là một nửa của nhau.

Jandy Nelson chọn cách kể chuyện khá thú vị, và có phần phức tạp nếu mới bắt đầu: từ góc nhìn của hai chị em thay đổi qua từng chương sách. Ta sẽ bắt gặp Noah 14 tuổi, một cậu bé say mê nghệ thuật, luôn là một con người lập dị trong mắt bạn bè cùng trang lứa, là đối tượng để mọi người bắt nạt, ẩn sâu trong đó là một trái tim giàu cảm xúc và đầy tình yêu, cậu muốn giành lấy tình yêu của bố khi không thể trở thành người con trai như bố muốn, muốn dành lấy tình yêu của chị mình khi hai chị em ở hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Cậu luôn ngắm nhìn và ngưỡng mộ Jude từ xa, một cô gái được bao chàng trai theo đuổi, bạn bè thán phục. Mục tiêu của cậu là được vào trường nghệ thuật danh giá của bang Califonia CSA. Rồi sau đó là câu chuyện của Jude năm 16 tuổi, kì lạ thay cô đã trở thành một người hoàn toàn khác, khép kín, buồn bã hơn và đang tuyệt vọng vì không tìm được ý tưởng và đã là học viên của CSA, đáng tiếc làm sao Noah đã không được nhận vào ngôi trường mà cậu luôn mong ước, từ đó một hố sâu hình thành ngăn cách giữa hai chị em: “Điều tôi muốn làm là: Tôi muốn nắm chặt lấy em trai tôi mà chạy ngược về quá khứ, để những năm tháng trôi đi như chiếc áo choàng tuột khỏi bờ vai.” Câu chuyện của Noah và Jude xoay quanh sự kiện đã thay đổi cuộc đời họ mãi mãi mà đến tận gần cuối cuốn sách Jandy Nelson mới bật mí cùng người đọc, khiến tôi cứ tò mò lật giở và bị cuốn hút cùng những biến cố trong cuộc đời của Jude và Noah.

Điều làm cho “Trao em mặt trời” vượt khuôn khổ của một cuốn tiểu thuyết dành cho lứa tuổi mới lớn thông thường đó là Jandy Nelson đã đề cập đến những mặt tăm tối hơn trong việc lớn lên. Đó là lúc Jude và Noah nhận ra đôi khi lỗi lầm chẳng thuộc về ai cả, và thế giới không chỉ có đen – trắng, đúng – sai mà còn phức tạp hơn thế nhiều, đó là tập hợp của nhiều thứ khó khăn và không dễ dàng gì tiếp nhận. Câu chuyện tình yêu của Noah khi dần dần hé lộ, những suy nghĩ và lo lắng của cậu bé khi nhận ra mình là người đồng tính, những câu hỏi và bối rối của Noah khi yêu Brian – người bạn hàng xóm của mình đặc biệt xúc động. Còn với Jude, khi cô dần dần vượt qua những nỗi sợ hãi trong quá khứ để yêu Oscar, mở lòng để đón nhận tình yêu là một cảm giác nhẹ nhõm kỳ lạ.

Jude và Noah đều nắm giữ những bí mật mà luôn khiến họ thổn thức, tình yêu hai chị em dành cho nhau to lớn nhưng không thể nói thành lời, những bí mật đè nặng trái tim họ theo cách này hay cách khác nên khi chúng được giải thoát, Jude và Noah lại thật sự trở thành bản thân mình, giải phóng được cái tôi bị tù hãm để thành thật với nhau và với cả chính mình. Jandy Nelson không chỉ là một người biết tạo cốt truyện lôi cuốn với cách viết hấp dẫn, giàu chất nhơ, mà chính sự miêu tả nhân vật chân thực và có chiều sâu khiến câu chuyện của bà có sức nặng, bà đặc biệt thấu hiểu tâm lý nhân vật của mình – sự hoang mang, đau khổ và những rung động đầu đời của các cô bé, cậu bé tuổi mới lớn để tạo nên một câu chuyện bùng nổ cảm xúc, ngập tràn bất ngờ đến tận những trang cuối cùng.

Tôi muốn ví cuốn sách như một bức tranh rực rỡ sắc màu mà Noah vẽ lên: có những gam màu tươi sáng vui tươi, có những góc tối tăm buồn bã nhưng tổng thể đó là sự hài hòa và hạnh phúc khi ngắm nhìn. Có thể nói “Trao em mặt trời” là cuốn tiểu thuyết dành cho lứa tuổi mới lớn hay nhất mà tôi đọc trong năm nay, thậm chí là trong vài năm gần đây. Đây là cuốn sách không chỉ dành cho một lứa tuổi nhất định mà dành cho tất cả mọi người: một cuộc phiêu lưu giàu cảm xúc và thật sự khó quên.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.