Ngay từ trang mở đầu của “Chữ Vạn”, nhân vật kể chuyện của cuốn sách: Sonoko Kakiuchi đã không hề giấu giếm câu chuyện ngoại tình của mình như báo hiệu trước một chuỗi những cuộc phiêu lưu tình ái với đầy đủ những cung bậc cảm xúc hứa hẹn sẽ dẫn dắt người đọc vào một câu chuyện hấp dẫn và đầy rẫy những tình tiết bất ngờ.
Junichiro Tanizaki là một nhà văn đặc biệt tôn thờ phụ nữ và vẻ đẹp của họ, chính vì vậy trong “Chữ Vạn” ông thể hiện rất rõ ràng sự tôn thờ đó, khi nguồn cơn của mọi sự kiện trong cuốn sách đều xuất phát từ sự hấp dẫn chết người của Mitsuko, cô gái mà Sonoko gặp trong lớp vẽ nghệ thuật của mình và đã bị cuốn ngay vào vẻ đẹp (mà Sonoko cho rằng trong sáng, thánh thiện như Quan Âm) hút hồn ấy rồi không thể nào thoát ra được.
Càng lún sâu vào mối tình đồng tính với Mitsuko, Sonoko càng bị si mê đến mức ám ảnh để rồi phát hiện ra một người đàn ông khác trong cuộc đời của cô nàng: Watanuki Eijiro. Mối tình tay ba với Mitsuko ở giữa cứ dùng dằng qua lại mà không dứt ra được khi từ từ Eijiro lộ ra những âm mưu toan tính và lừa Sonoko ký bản cam kết tình yêu, đúng lúc Sonoko cảm giác được rằng phải chăng Mitsuko đang thao túng cả hai người thì vô tình hay cố ý, Sonoko đã kéo người chồng của mình vào cái vũng lầy tình yêu mù quáng ấy.
Mitsuko là một người phụ nữ rất đặc biệt, bởi cô có thể biến thành bất cứ người nào mà cô muốn, và cô biết được người khác đang khao khát những gì để mà đáp ứng, chính vì vậy cô trở thành tâm điểm của câu chuyện và khiến tất cả các nhân vật đều si mê cô đến ngây dại. Cô biết Sonoko – người phụ nữ với cuộc hôn nhân đáng chán khao khát một cuộc phiêu lưu tình ái, cô biết Eijiro – người đàn ông liệt dương cần sự công nhận như một người đàn ông thực thụ, cô biết Kotaro – người chồng bị cắm sừng luôn trông chờ tình yêu và sự trả thù. Ai cũng khao khát Mitsuko, nhưng điều cô thực sự cần không phải là tình yêu mà là cảm giác được tôn thờ:
“Chị Hai ơi, em thích được ngưỡng mộ bởi những người cùng giới tính. Được bọn đàn ông coi là xinh đẹp theo đuổi thì cũng thường thôi, nhưng hay ho ở chỗ em nhận ra mình xinh đẹp đến mức mê hoặc được cả đàn bà kia. Chao ôi, sướng quá đi mất.”
Chỉ với bốn nhân vật, Junichiro Tanizaki đã xây dựng nên một câu chuyện với đầy đủ các cung bậc cảm xúc với sự thấu hiểu tâm lý con người đến rợn người. Ông xây dựng nhân vật Mitsuko như một người phụ nữ nắm rõ khao khát của người khác nhưng thật ra chính ông mới là người hiểu rõ những dục vọng của con người: những si mê mù quáng và dục vọng không được đáp ứng có thể khiến họ làm những điều điên rồ. Ông tạo nên những tình huống bất ngờ, dẫn dắt người đọc đến những đam mê sâu kín nhất của bốn nhân vật như tựa đề của cuốn sách: Chữ Vạn 卍, bốn con người như bốn góc xoắn xít, móc vào nhau tạo thành một vòng xoáy kéo tuột họ vào đam mê mù quáng không thoát ra được. Tên cuốn sách khi dịch sang tiếng Anh là “Quicksand” cũng là một cái tên rất hợp để diễn tả mối quan hệ của bốn con người ấy: một vũng lầy hay bãi cát lún của tình yêu điên dại, càng vẫy vùng càng khiến họ sa lầy sâu thêm nữa.
Đọc “Chữ Vạn” để hiểu rõ tại sao Junichiro Tanizaki được gọi là bậc thầy trong việc nắm bắt tâm lý nhân vật. Ông đưa người đọc đến đầy đủ các trạng thái của cảm xúc: ghét, yêu, buồn, hờn giận, hạnh phúc tột đỉnh hay đau khổ vô cùng, những khao khát cảm xúc mãnh liệt đầy cám dỗ hơn những tình cảm phẳng lặng thường ngày. Chính những cảm xúc ấy chi phối hành động của bốn nhân vật trong “Chữ Vạn” nhưng phải chăng, chính chúng ta cũng đang bị những cảm xúc ấy thao túng?

“Thiên đường thì buồn”
Điều hấp dẫn từ cuốn truyện “Chữ Vạn” này không chỉ là ngòi bút bâc thầy về miêu tả sâu thẳm nội tâm nhân vật, mà trước hết còn là vấn đề mới mẻ của đương đại được đặt ra ngay từ thời gian rất lâu: tình yêu đồng giới. Như vậy có thể nói tác phẩm để đời luôn có tính dự báo.