Fielding đã từng chia sẻ rằng “cái dưỡng chất mà tôi đề xuất với độc giả ở đây không gì khác chính là bản chất con người”. Lời nói ấy của ông là một sự tuyên ngôn về lẽ sống của tiểu thuyết với con đường tìm kiếm, truy vấn những bản ngã của con người. Một nhà tiểu thuyết tài ba nắm lấy ánh sáng lương tri của thời đại mình, quẳng vào trong những góc tối để soi sáng các tình thế xã hội chưa từng được biết đến, làm bật lên gương mặt của nhân dạng con người đang hiện dần trong bóng đêm mịt mù của thời đại. Ta tìm kiếm trong cái khoảnh khắc đó một mùi hương thuốc lá, một bóng dáng con người mà ta biết ta sẽ chẳng bao giờ gặp được trong thời đại này hay bất cứ thời đại nào khác. Giây phút mà nhân dạng con người hiện ra trong tích tắc, họ lóe lên, sinh ra và chết đi trong cái đốm sáng ấy mãi mãi và bất tử với thời gian. Có lẽ trong vết tàn tích đổ nát của chiến tranh, cái khó nhất để tìm kiếm được chính là nhân dạng con người.
Bảo Ninh đã hết sức thành công khi làm sáng rõ những mảng tăm tối nhất của bản mặt được che giấu sau lớp mặt nạ của chiến tranh, sau ánh hào quang rực rỡ của chiến thắng đã hé lộ ra gương mặt của số phận con người thời hậu chiến. Để rồi ta nhận ra “Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp của thế giới loại người”. Sau chiến thắng trở về, quá khứ cứ không ngừng ám ảnh như một bóng ma bao trùm lên cả cuộc đời còn lại của nhân vật – những chấn thương tâm lí không thể nào xóa bỏ. Nhân vật Kiên- anh đã cố gắng viết để giải thoát mình đến cái thái cực thăng hoa, thoát li và thanh lọc tâm hồn của nghệ thuật. Bất chấp mọi nỗ lực thoát khỏi từ trường của chiến tranh , kí ức quay anh li tâm về những quá khứ khủng khiếp của chém giết, máu me, bạo lực thuở còn ở Sa Thầy cùng tình yêu đau đớn của đời mìnhi. Hiện tại đang gần anh lắm, nhưng anh chẳng thể nào bước qua nổi, cái mùi súng đạn của chiến tranh đã ám lấy cả Hà Nội bình yên mà anh sống. Hà Nội hiện tại là thứ Hà Nội anh không sống, anh sống trong Hà Nội trước chiến tranh và trong chiến tranh. Chiến tranh giam giữ người ta ở đó cùng với nó mãi mãi. Sau chiến tranh, người ta chẳng biết mình nên lựa chọn một thái độ như thế nào trước một thế giới với sự bình an xa lạ, Kiên vừa yêu lấy cuộc sống thiết tha vừa giãy mình chết trong nó. Khác với Kiên, Phương lựa chọn cho mình một thái độ vô cảm, lạnh lẽo và khinh nhờn với đời sống của mình.
Cái làm người ta không quên Nỗi buồn chiến tranh không chỉ có ở nhân vật mà còn bởi không gian và thời gian nghệ thuật mà nhà văn xây dựng. Có lẽ Bảo Ninh làm người ta nhớ đến mình bởi cái không khí của một Hà Nội trong tâm tưởng nhân vật, một mùi hương Hà-Nội- rất- Kiên, nó gợi nhớ đến khung cảnh của Paris bao trùm lấy những thân phận lạc lối trong tác phẩm của Patrick Modiano. Những thân phận hậu chiến và sự khó khăn khi tiếp xúc với hiện tại và tự truy tìm chính mình. Trong sự truy tìm ấy, thành phố hiện ra thật sự bị tâm hồn nhân vật choáng ngợp lấy. Những kí ức cũ xưa không ngừng phả hơi và biến thành phố thành thứ ảo ảnh của quá khứ, của một cuộc tìm kiếm vô vọng những cái tốt đẹp đã mất tích.
Phương đã nói đúng, “rồi sẽ chẳng có đêm nào như đêm nay”, sau chiến tranh ai rồi cũng sẽ khác. Cô đã thấy được tương lai hủy diệt khi nhìn thấy ánh lửa thiêu rụi dần những tác phẩm nghệ thuật của cha Kiên – một con người không thuộc về thời đại của chính mình. Sau chiến tranh, người ta chẳng bao giờ bắt kịp điều gì ở hiện tại cả vì tâm trí không ngừng đuổi bắt quá khứ, bởi tất cả tốt đẹp chỉ tồn tại trước khi chiến tranh xảy ra, mọi thứ mãi nằm ở nơi đó.
Trong cuộc truy tìm nhân dạng, nối lại sự đứt gãy với hiện tại, ta thấy được cái gì đó nên thơ và đặc biệt trong mối quan hệ nhân vật. Một người con trai chẳng nhớ hay hiểu gì lắm về người cha của mình trong khi người yêu mình lại hiểu rõ hơn cả, và anh lại có thời gian để lưu lại những ấn tượng tốt đẹp về cha dượng của mình. Rồi những kí ức về người con gái tên Hạnh, Hiền trong đêm tối đầy ắp yêu thương trên chuyến xe hôm vừa mới hòa bình, người đàn bà câm rồi thì nhân vật tôi sau truyện. Trong thời đại ấy, những người xa lạ cũng có thể là tri âm và những người quen có khi cũng trở nên xa lạ. Những nhân vật với sự lệch thời rõ nét với bối cảnh và gia đình mình cùng những cảm giác kì lạ từ thời thơ ấu đã cho thấy một sự cô đơn, lạc loài của mỗi cá nhân. Cái xã hội loạn lạc đã khiến người ta không thể tìm kiếm được một quan điểm hay một giá trị tinh thần chung để dựa vào, và những tâm hồn lạc lối phải đi tìm nhau. Những mối quan hệ thoáng qua mà đẹp khôn tả, một cái gì thi vị, độc đáo của cuộc sống buồn man mác mà cũng đậm chất thơ. Và kết lại, ta tự hỏi rằng liệu Kiên có yêu cuộc sống này hay không sau cuộc chiến tranh này ? Anh có tìm được mình là ai hay không hay vẫn đắm chìm trong những mộng mị không nguôi ?. Anh làm tôi nhớ đến đại gia Gatsby, cả hai đều chiến đấu cho những lí tưởng của mình dù cái kết chẳng làm vui vẻ. Dù có bị biến chất thành kẻ xấu xa, nhưng tận tâm hồn luôn khao khát cái đẹp. Những kẻ đuổi bắt tương lai nhưng “ông không biết rằng nó đã ở lại sau lưng ông mất rồi, ở một nơi nào đó phía sau, trong cái mờ mịt mênh mang phía bên kia thành phố”. Và rồi thì
“Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta… Chúng ta cứ thế dấn bước, những con thuyền rẽ sóng ngược dòng, không ngừng trôi về quá khứ”…
Đây là tiểu thuyết Việt Nam mà mình và bạn mình yêu thích nhất, bạn mình nói rằng dù đọc nó bao nhiêu lần đi nữa cũng chẳng thể nào viết review được. Cảm ơn bài viết của tác giả, mình cũng đã đọc các bài review khác của bạn, sẽ chờ những bài tiếp theo nhe.
Dạ em cám ơn ạ.