Người Đua Diều (Khaled Hosseini) – “Vì cậu cả ngàn lần rồi”

“Mỗi chúng ta ít nhiều đều có những người bạn từ thuở ấu thơ, cùng nhau lớn lên keo sơn gắn bó. Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những tình bạn đẹp trong các tác phẩm văn học như Ba Chàng Ngốc của Chetan Bhagat hay Chiến Binh Cầu Vồng của Andrea Hirata. Thế nhưng, trong tình bạn khi có bất cứ lỗi lầm nào đó xảy ra không phải ai cũng có thể chiến thắng được chính bản thân mình”

Trên bầu trời chỉ còn duy nhất chiếc diều của Amir sống sót, đang chao liệng phấp phới với đôi cánh tung bay ngạo nghễ như tính cách của vị chủ nhân đang cầm lái. Hai bàn tay Amir vì bị dây diều cứa sâu mà trở nên đau rát nhưng Amir lại vô cùng hạnh phúc vì cậu đã trở thành người thắng cuộc trong ngày hội đua diều năm đó.

Điều kiện duy nhất cần có dành cho người chiến thắng đó là khi Amir cắt dây cho cánh diều cuốn theo chiều gió, cậu sẽ phải tìm được con diều ấy và đem về. Cánh diều sẽ bay về hướng nào? tất cả mọi người đều phán đoán và chạy khắp nơi… Amir cũng chạy! Chạy để giành lấy cánh diều vinh quang về cho mình.

Có lẽ, trong cuộc đời của cậu bé Amir – đây là giây phút hạnh phúc nhất vì cậu tin rằng Baba sẽ dành trọn tình yêu thương cho cậu. Bởi từ bé đến giờ, Amir lúc nào cũng khao khát tình thương từ Baba. Cậu luôn hy vọng rằng, khi Baba được hãnh diện, ông ấy sẽ đồng ý cho cậu làm bất cứ điều gì mà cậu muốn. Chắc hẳn là Baba cũng sẽ đọc những bài thơ, những câu chuyện mà cậu đã viết với cả đam mê của con tim, với nhiệt huyết của tuổi trẻ. Baba sẽ tán thưởng và hết lòng ủng hộ cậu theo đuổi ước mơ trở thành một nhà văn. Chỉ mới nghĩ đến những điều đó thôi cũng đã khiến trâm trí Amir ngẩn ngơ và quên mất rằng cậu vẫn còn phải hoàn thành một bước cuối cùng nữa…

Nhưng rồi, bao nỗi khát khao và hạnh phúc chiến thắng đến với Amir lại vô cùng ngắn ngủi… cậu vẫn chưa kịp tận hưởng vẹn tròn thì tất cả mọi thứ tựa hồ như một cơn gió thoảng vừa đến đã vội tan biến rất nhanh.

Hơn 100 trang đầu tiên của cuốn sách là hình ảnh đất nước Afghanistan với sự phân biệt chủng tộc gay gắt nhưng vẫn yên bình và ấm áp. Afghanistan những ngày tháng đó đẹp như một bài thơ. Khung cảnh tuyệt diệu ấy được tác giả vẽ bằng tình bạn của Amir dành cho Hassan – người bạn thân cùng sinh ra và lớn lên dưới một mái nhà với cậu. Dù rằng, họ là hai con người thuộc hai cấp bậc trong xã hội Afghanistan thời ấy.

Credit: http://xet336.tumblr.com/post/138543963127/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-%C4%91ua-di%E1%BB%81u-khaled-hosseini-m%E1%BB%99t-c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n

Hassan bé nhỏ vẫn thường nhìn thẳng vào đôi mắt của cậu chủ Amir và nói “Vì cậu cả ngàn lần rồi”. Trong ngày hội đua diều năm đó – mùa đông năm 1975, Hassan cũng đã nói như thế rồi chạy đi tìm cánh diều về cho Amir. Tình bạn, sự kính trọng và cả lòng trung thành đã tạo nên một Hassan đầy khiêm nhường và hy sinh.

Amir hèn nhát, không đủ dũng khí bảo vệ người bạn thân của mình. Cậu đứng đó. Trong đêm tối, cậu nhìn Hassan bị đánh, nhìn Hassan vì cánh diều vinh quang đem về cho cậu mà chấp nhận bị người khác bắt nạt. Để rồi sau đó, Amir lặng lẽ nhận cánh diều từ tay Hassan trong tủi nhục và mặc cảm …
Trốn tránh sự thật! Amir đã tự đẩy mình vào hố sâu của tội lỗi. Cậu đã phản bội tình bạn, phản bổi lòng trung thành mà Hassan dành cho cậu.

“Chỉ có duy nhất một tội lỗi. Và đó là trộm cắp….khi con nói dối, thì con đã ăn cắp quyền được biết sự thật, của người khác.” (trích dẫn)

Và… suốt hơn 30 năm sau đó, với cuộc sống sung túc trên đất Mỹ xa xôi, Amir vẫn không thể có được những tháng ngày hạnh phúc. Quá khứ trở thành một nỗi đau, một thứ cảm giác trống rỗng không thể lấy đầy trong tâm hồn Amir. Đeo đẳng kéo dài qua từng đêm, Amir mất ngủ triền miên và dằn vặt với lương tâm của chính mình. Chỉ đến khi Amir quyết định ngược dòng chiến tranh để tìm về quê hương Afghanistan, tìm con đường chuộc lỗi, Amir mới thật sự thanh thản.

Nhưng với riêng mình, 30 năm đã là quá muộn.

Cái kết mà Khaled Hosseini đưa ra cho nhân vật chính của mình quá ngọt ngào. Cuộc đời có lẽ sẽ không đẹp như thế. Dù rằng, ông đã để Amir phải đấu tranh tư tưởng trong suốt 30 năm. Dù rằng, ông đã để Amir phải trở về lại quê hương với cuộc hỗn chiến tàn khốc. Dù rằng, Amir đã chịu một trận đánh bầm dập đến trọng thương và trải qua rất nhiều khó khăn trước khi trở về Mỹ. Nhưng…. với mình, đó vẫn chỉ là câu chuyện.

Mình luôn tự hỏi, nếu Khaled Hosseini để nhân vật Amir đối diện với Hassan sau 30 năm, ông sẽ viết thế nào? Sẽ để Amir nói điều gì? Cậu sẽ làm gì? Liệu cậu có đủ dũng khí để thừa nhận cho những gì cậu đã làm?

Mình tin chúng ta cũng vậy, chúng ta luôn cho rằng mình dũng cảm và chính trực nhưng khi đối diện với một lỗi lầm, khi phải nói một lời xin lỗi muộn màng và sửa sai, trong chúng ta luôn tồn tại cái tôi ích kỷ!

Nếu Khaled Hosseini không để Hassan ra đi, liệu rằng Amir có cơ hội cưu mang đứa con trai của Hassan để rồi sau đó cậu cảm thấy thanh thản trong phần đời còn lại?

Mình tin chắc là không. Bởi lẽ, ngay khi cậu nghĩ đến việc trở về Afghanistan để tìm một đứa trẻ đang bơ vơ giữa cuộc chiến, cậu vẫn phân vân, vẫn cân nhắc giữa mạng sống của bản thân, giữa người vợ đang chờ đợi cậu ở California và một cuộc sống yên bình đủ đầy mà cậu đang có!

Mình thừa nhận, mình đã không hài lòng với cái kết mà Khaled Hosseini đã xây dựng nên. Nhưng đây là một tác phẩm đáng đọc. Bởi, đằng sau tác phẩm này có quá nhiều thứ để mỗi chúng ta sau khi đọc xong vẫn phải nghĩ, phải chiêm nghiệm về cuộc sống quanh mình. Và câu chuyện này vô hình sẽ khắc sâu trong tâm trí chúng ta theo một cách nào đó rất riêng – nó khiến chúng ta nhớ mãi về thời ấu thơ, chúng ta cũng đã từng đôi lần phạm lỗi và cũng đã từng có được một tình bạn tươi đẹp như thế!

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.