Nhẫn Thạch – Atiq Rahimi

Tôi đã mong muốn tìm đọc tác phẩm này từ lâu, không phải bởi vì đây là tác phẩm đoạt giải, mà bởi vì có một người đã kể cho tôi nghe về hòn đá trong huyền thoại Ba Tư – hòn đá có thể chứa đựng mọi nỗi muộn phiền của con người. Và rồi đến một ngày nào đó, khi không còn chịu đựng được nữa, nó sẽ nổ tung!

Tôi đã từng đọc rất nhiều tác phẩm viết về người phụ nữ nhưng Nhẫn Thạch đi vào tâm trí tôi theo một cách rất riêng. Câu chuyện đã dẫn dắt mạch suy nghĩ của tôi bằng những dòng văn phong không hoa mỹ, với tình tiết dồn dập tưởng chừng như không tài nào thoát ra nổi chỉ đến khi nào người phụ nữ ấy ngừng kể. Gần 200 trang sách, bạn sẽ không tìm thấy bất cứ một cái tên nhân vật nào được xuất hiện. Nhưng sự hiện diện của từng nhân vật, từng con người trong câu chuyện lại rất rõ. Mỗi một cử chỉ, suy nghĩ, lời nói đều mang một ý nghĩa riêng và đầy dụng ý của người viết.

Ta sẽ cảm nhận rất rõ tiếng ho của bà cụ hàng xóm, tiếng xe đẹp leng keng của một cậu con trai nào đó, tiếng súng đạn ngoài kia và tiếng đùa giỡn của những đứa trẻ con trên khu đất trống…. chúng diễn ra đều đặn mỗi ngày. Và, giữa những âm thanh náo động ngoài kia là sự thinh lặng của một người đàn ông đang nằm bất động trong một căn phòng. Người đàn ông ấy chỉ có những hơi thở nhịp nhàng và đôi mắt mở to như “trêu ngươi người khác”. Ông ta nằm im lìm từ năm này qua tháng khác, còn người đàn bà – vợ ông vẫn ngày ngày kiên trì thay nước, lau người cho ông và cầu nguyện. Dường như ba tuần trôi qua kể từ ngày ông nằm đó, cuộc sống của bà đã không còn được tính bằng ngày, bằng phút, bằng giây mà nó được đánh dấu bằng nhịp thở của người chồng. Mỗi một hơi thở được hắt ra là một chuỗi hạt được đếm, và mỗi ngày trôi qua là chín mươi chín vòng chuỗi hạt được lăn trên tay.

Kể đến đây có lẽ các bạn sẽ cảm thấy rằng câu chuyện này thật nhàm chán. Nhưng tôi không hiểu sao sự im bặt của căn phòng và sự bất động của người đàn ông thấm vào tôi qua từng câu chữ. Atiq Rahimi đã miêu tả câu chuyện chi tiết đến mức, ngay cả cử động của một con ruồi đang bò lên người đàn ông cũng được nhắc đến. Rồi, một con nhện giăng tơ trên nóc nhà. Một giọt nước nhỏ lên vầng tráng của ông rồi lăn xuống mí mắt và khuất vào chùm râu, còn người đàn ông ấy vẫn cứ nằm im, mắt mở to và không có bất cứ một cử động nào. Những điều đó như chứng minh cho sự bất lực của người đàn ông ấy trước mọi biến thiên của cuộc sống này.

Đến một ngày sự kiên nhẫn của người vợ đã không còn. Bà bỏ đi. Nhưng khi bà nhận ra, bỏ đi không làm bà thỏa mãn, bà không thật sự được giải thoát. Và bà đã quay trở lại, ngồi bên chồng mình và kể. Người đàn ông – chồng bà lúc này đã trở thành “hòn đá” trong huyền thoại Ba Tư. Hòn đá Nhẫn Thạch nằm im lìm, lắng nghe tất cả những uất ức mà bà đã kìm nén trong mười năm. Trong sự cô đơn, cùng quẫn người phụ nữ ấy đã bất chấp luật lệ, gỡ bỏ khăn che mặt, không còn thiết tha cầu nguyện Thượng đế. Bà nói tất cả về ước mơ, về cuộc hôn nhân cưỡng ép, về danh dự gia đình. Bà khao khát được hạnh phúc. Bao đau đớn và những bí mật không thể giãi bày bà trút hết vào người chồng – vào “Nhẫn Thạch” của bà. Và cuối cùng “Nhẫn Thạch” đã nổ tung.

Tôi đã cầm quyển sách này trên tay và đọc không ngừng. Hẳn đối với nhiều người đây cũng là điều bình thường thôi. Có nhiều tác phẩm tôi cũng đã cầm lên và đọc một mạch như “Chú Bé Mang Pyjama Sọc” của John Boyne hay “Thiên Táng” của Hân Nhiên. Nhưng với Nhẫn Thạch là một cảm giác nghẹn ứ ở cổ họng. Dù rằng, tôi đã cố gắng không đặt mình vào vị trí của bất kỳ một ai trong câu chuyện này, mà chỉ là một người đang đọc. Nhưng tôi vẫn có cảm giác như chính tôi là một hòn đá. Tôi đang hút vào tâm trí mình tất cả những gì người phụ nữ ấy tuôn trào, những ký ức, hoài niệm và sự uất hận của bà trút vào người chồng và truyền sang cho tôi. Có lẽ vì thế mà tôi có cảm giác như mình cũng muốn nổ tung.

Câu chuyện đã dừng lại khi người phụ nữ ấy được giải thoát và những gì để lại trong tôi là một sự ám ảnh.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.