Giọt Máu Chung Tình – Cũ kĩ nhưng không lỗi thời

Có những trường hợp hi hữu, khi tác phẩm chuyển thể lại có đời sống lâu bền, vượt thời gian hơn tác phẩm gốc mà “Giọt máu chung tình” là một ví dụ, khi cuốn tiểu thuyết của Tân Dân Tử được xuất bản năm 1926 đã gần như trôi vào quên lãng dù là một best-seller thời đó thì vở cải lương, hay bài vọng cổ “Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà” vẫn tiếp tục sống, được biểu diễn đến tận bây giờ, người dân Nam Bộ chắc ít tai không biết đến câu hát gần như kinh điển: “Bởi sa cơ nơi chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơn đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà.” Bài vọng cổ nổi tiếng là vậy, nhưng hiếm người biết đến nguồn gốc thật sự của nó, và có lẽ dễ dàng lầm tưởng vở cải lương lấy câu chuyện từ hai nhân vật nào đó từ Trung Quốc, vì vậy đọc “Giọt máu chung tình” khiến ta có cái nhìn trọn vẹn đến khởi nguồn của một tuồng cải lương kinh điển, mà bản thân cuốn tiểu thuyết, khi đứng riêng, cũng có một vị trí nhất định.

Việc lầm tưởng cốt truyện của “Giọt máu chung tình” xuất phát từ Trung Quốc cũng là điều không quá khó hiểu, điều này có thể thể lý giải bởi hai lý do: Đầu tiên, các câu chuyện viết về lịch sử Việt Nam lúc này còn khá hiếm hoi, đa số đều lấy từ câu chuyện gốc của Trung Quốc như Truyện Kiều, hay Chinh Phụ Ngâm…., thứ hai, cách viết của Tân Dân Tử vẫn còn ảnh hưởng rất rõ rệt của các nhà văn Trung Quốc cổ điển với lối viết chương hồi, tả cảnh phong hoa tuyết nguyệt. Thật ra, hoàn toàn ngược lại, như lời đề từ của cuốn sách, Tân Dân Tử viết:  “Những nhà đại gia văn chương trong xứ ta khi trước hay dùng sự tích sử truyện Tàu mà diễn ra quốc văn của ta… và cũng chưa thấy tiểu thuyết nào làm ra một sự tích của kẻ anh hùng hào kiệt và trang liệt nữ thuyền quyên trong xứ ta đặng mà bia truyền cho dân rõ biết. Như vậy thì trong xứ ta chỉ biết khen ngợi sùng bái người anh hùng liệt nữ xứ khác mà chôn lấp cái danh giá của người anh hùng liệt nữ xứ mình, chỉ biết xưng tụng cái oai phong của người ngoại bang, mà vùi lấp cho lu mờ cái tinh thần của người bản quốc…” 

Với nội dung khá cũ theo kiểu trai anh hùng, gái thuyền quyên, Võ Đông Sơ hiện lên là một nhân vật văn võ toàn tài, xả thân vì nước còn Bạch Thu Hà là một trang tuyệt sắc, luôn chung tình giữ tiết hạnh với người yêu, Tân Dân Tử dẫn dắt tôi đến với một chuyện tình khá nhiều sóng gió, lấy bối cảnh lịch sử là thời vua Gia Long, khi đất nước khá bất ổn với thù trong giặc ngoài, chia rẽ nhiều bè phái thì Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà mà tác giả muốn gửi gắm như một lời khuyên răn cũng như tấm gương mẫu mực “trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.”. Dễ thấy thời điểm ra đời cuốn sách cũng ảnh hưởng phần nào đến cách Tân Dân Tử chọn đề tài: Năm 1926, Việt Nam đang bị thực dân Pháp đô hộ, phải chăng tác giả muốn mượn hình ảnh Võ Đông Sơ để tìm một trang anh hùng xả thân vì nước, đứng lên dấy cờ khởi nghĩa, đập tan ách xâm lược: “Cái phận sự của chúng ta đây phải thương tưởng Việt Nam như cha mẹ, triều mến Việt Nam như vợ chồng. Chúng ta nhờ ngọn rau tấc đất của Việt Nam mà đặng khôn lớn trưởng thành, chúng ta nhờ cái phong thổ Việt Nam mà đặng an cư lạc nghiệp, nay lang quân là con trai của Việt Nam, ra mà gánh vác một phần nghĩa vụ của nước non trên vai.”

Dù với cách viết lẫn nội dung khá cũ, thậm chí cách dùng từ ngữ khá xa lạ với ngôn ngữ hiện đại nhưng cách viết của Tân Dân Tử khá hấp dẫn, với cốt truyện nhiều biến cố, tác giả khiến tôi hồi hộp dõi theo mối tình của hai nhân vật chính khi họ cứ sum họp rồi li tan, nhưng cũng chính sự kịch tính quá mức khiến câu chuyện đôi lúc khiến tôi có cảm giác hơi “kịch” khi có quá nhiều sự trùng hợp, sắp xếp sẵn trong bước đường đi của hai nhân vật chính, có lẽ đó cũng chính là nguyên do khi chuyển thể thành cải lương thì câu chuyện giữ được sự nhịp nhàng, hấp dẫn cần thiết để khiến người xem hướng mắt lên sân khấu, cộng thêm lời văn trau chuốt rất phù hợp viết lại thành các câu vọng cổ mang lại hiệu ứng đặc biệt đã khiến vở cải lương thành công vang dội?

…tình yêu thì chẳng bao giờ lỗi thời, lúc nào người ta cũng cần những chuyện tình.

Trong bối cảnh hiện đại, “Giọt máu chung tình” dễ khiến người ta có cảm giác không còn hợp thời. Thế nhưng việc đọc cuốn sách trong những ngày này, không chỉ giúp tôi biết thêm xu hướng đọc sách cách đây gần 100 năm, giúp tôi hiểu thêm những gửi gắm của tác giả với những người trẻ trong việc đối nhân xử thế và giữ lòng yêu nước vẹn nguyên, những điều mà tôi nghĩ không bao giờ cũ. Và cuối cùng, tình yêu thì chẳng bao giờ lỗi thời, lúc nào người ta cũng cần những chuyện tình.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.