Đầu tiên, tôi phải báo trước với các bạn rằng đây hoàn toàn không phải là một cuốn sách kỹ năng, có nghĩa là những ai đang thù hận ai đó, như cái cách người ta thường nói: “ta sẽ đốt nhà ông/bà ấy cho bõ ghét.” muốn tìm một cuốn cẩm nang về việc đốt nhà, với sự chỉ dần từng bước phải làm thế nào thì hãy tránh xa cuốn sách này ra, đây không phải là cuốn sách các bạn cần đâu. Vậy cuốn sách này dành cho ai? Đầu tiên là những người yêu thích sự hài hước vì xuyên suốt cuốn sách là một chuỗi những sự kiện cười ra nước mắt, thứ nữa, dành cho ai yêu thích văn chương, vì các nhà văn/nhà thơ cổ điển cứ lần lượt được nhắc tới trong sách, dù sau đó nhà các vị này có cháy ra thành tro đi chăng nữa nhưng tôi nghĩ vẫn rất đáng để thử, ngoài ra ai đang có rắc rối với bố mẹ mà không biết gỡ cái mớ bòng bong ấy từ đâu thì cuốn sách này sẽ giúp bạn (hoặc không giúp được tí nào cả, ai mà biết được).
Câu chuyện của Sam mở đầu vốn dĩ cũng đã rất lạ kỳ, khi cậu “lỡ tay” đốt nhà của nữ nhà thơ Emily Dickinson, hỡi các bạn yêu thích nhà thơ này, chớ có giận dữ, vì những người như các bạn đã viết rất nhiều thư chửi rủa anh chàng rồi, và dĩ nhiên cậu chàng cũng phải trả giá cho tội lỗi của mình với 10 năm trong tù (à tôi quên nói, có một cặp vợ chồng cũng bị thiêu rụi cùng ngôi nhà). Khoan hãy bình luận cái án 10 năm tù của Sam là nặng hay nhẹ (cậu phá hoại một di sản và vô tình giết hai mạng người chứ đâu có đùa), sau khi ra tù cậu quyết tâm làm lại cuộc đời, cậu đi học Đại Học: “Vì xét cho cùng, đi học đại học để làm gì nếu không phải là để xóa sạch khỏi não bạn những gì bạn không muốn nhớ và lấp đầy nó với những điều mới mẻ trước khi những thứ cũ kỹ không ai muốn kia tìm đường quay về?” Cậu tốt nghiệp, có một công việc ổn định, lập gia đình và có hai đứa con xinh xắn, cuộc sống cứ ngỡ như là mơ. Thế nhưng bóng ma quá khứ không chịu buông tha cậu, một ngày đẹp trời, người đàn ông vốn là con của cặp vợ chồng mà cậu lỡ tay thiêu chết kia tìm đến với Sam, khiến những ký ức và lỗi lầm xưa kia trỗi dậy, và dĩ nhiên, cậu tìm cách chạy trốn hiện tại để quay về với quá khứ u tối kia.
Những ai nói rằng cái án 10 năm tù kia của Sam là quá nhẹ thì khi đọc xong cuốn sách chắc sẽ thấy rằng đó chẳng thấm thía gì so với sự trừng phạt cậu phải gánh chịu trong quãng đời còn lại. Cậu quay về nhà với bố mẹ và bới tung mọi thứ lên, lục lọi lại các bức thư gửi cho cậu nhờ cậu đốt nhà các văn hào nổi tiếng từ Mark Twain, Edith Wharton, Nathaniel Hawthorne… và trùng hợp làm sao, các ngôi nhà ấy lần lượt bốc cháy. Quá trình tìm thủ phạm đốt những ngôi nhà cũng là lúc Sam đối mặt với những lỗi lầm của mình đồng thời phát hiện ra những bí mật của bố mẹ cậu, và tại sao đến tận khi đã trên 40 tuổi, cậu mới học được những thứ quan trọng nhất của cuộc đời: “Tại sao ta chẳng bao giờ lắng nghe những người ta thương yêu nhất? Có phải tại vì trong mỗi chúng ta luôn có quá nhiều điều để nghe, và quá nhiều điều tối quan trọng để tự nhủ với bản thân?” Cuộc đời của Sam từ đó bị quá khứ tóm lấy và lôi tuột đi, khi cậu liên tục đặt cho mình những câu hỏi, những lời thú tội, những tiếc nuối nhưng dường như đã quá muộn.
Có rất nhiều đám cháy trong cuốn sách, khi ngọn lửa cứ bùng lên thiêu mọi thứ thành tro. Thế nhưng thứ nóng bỏng nhất cuốn sách chính là ngọn lửa trong lòng của các nhân vật, nó thiêu đốt tâm can họ, biến tình yêu của họ thành những những làn khói mỏng mảnh rồi bay đi mất hoặc cuộn vào trong khiến họ làm tổn thương những người xung quanh và cả chính mình mà không hay biết. Đám cháy cuối cùng trong cuốn sách khiến tôi liên tưởng đến truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, ngọn lửa trong cả hai tác phẩm đều không đơn thuần là ngọn lửa để chấm dứt mọi thứ hay hóa những điều khiến họ đau đớn thành tro bụi, đó còn là ngọn lửa tuyệt vọng muốn đốt cháy nỗi cô đơn quanh họ, kêu gào để được nhìn thấy, được chú ý và được yêu thương.
Một điều tôi rất ấn tượng với cách viết của Brock Clarke chính là sự cân bằng tuyệt vời giữa sự hài hước và cái bi kịch như một người đi dây đại tài làm sao để không nghiêng về bên nào và đi một mạch đến tận những trang cuối cùng mà không ngã. Làm sao để viết về cái nỗi đau và những bi kịch quá khứ một cách tỉnh rụi như không, mà chính cái sự thờ ơ và châm biếm ấy mới khiến lòng tôi đau nhói.
Tóm lại thì cuốn sách này dành cho ai? Tôi nghĩ nó dành cho tất cả mọi người, vì hãy quay lại nhìn sau lưng bạn đi, ai mà lại không bị quá khứ bám đuổi?

“Thiên đường thì buồn”
One Reply to “Cẩm nang đốt nhà các văn hào New England (Brock Clarke) – Khi quá khứ thích đùa dai”