Tôi biết đến Hồ Anh Thái khá trễ, như một cái hẹn đầy tiềm năng nhưng lại lướt qua ở tuổi trẻ.
Tôi không phải là người chuyên tâm trong việc khám phá lãnh địa văn chương Việt, ngay cả trong danh sách những nhà văn Việt được giới truyền thông nhắc đến hoàn toàn vắng bóng Hồ Anh Thái. Nhưng nếu đọc sách mà dựa vào truyền thông thì đó là một sai lầm.
Không có gì thú vị khi nói rằng, tôi đã đọc và biết đến Hồ Anh Thái, vì những người bạn đọc sách của tôi không xa lạ gì với ông. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc của Hồ Anh Thái, Cõi người rung chuông tận thế (Apocalypse Hotel), là quyển sách thứ 4, thứ 5 trong tủ sách của bạn tôi. Khi không đọc các cuốn sách trước đó, tôi ngờ rằng Hồ Anh Thái vốn xuất thân là một nhà thơ, vì dễ nhận ra đây là cuốn tiểu thuyết được tác giả chủ ý viết ngắn, thơ trong văn, các câu văn miêu tả, trần thuật, lẫn đối thoại song phương đều gãy gọn và được nén chặt. Ẩn sau một câu chuyện mang màu sắc trinh thám, liêu trai, chính là hành trình vạn dặm đi tìm câu hỏi về sự tồn tại giữa thiện và ác trong xã hội, vào những năm 2000, tức là thời khắc giao thời chuyển đổi giữa hai thế hệ trong và sau chiến tranh. Cõi người rung chuông tận thế, như một điềm báo hiệu sâu sắc về sự mục ruỗng về lương tri, đạo đức của con người. Cái ác đó nằm trong dục vọng của những gã trai công tử mới lớn. Cái ác nằm trong thói quan liêu của các đại gia, quan chức mới nổi. Cái ác nằm trong những cô gái sẵn sàng vứt bỏ lòng tự trọng, phản bội tình yêu để đạt được giàu sang… Những cái ác, dù chỉ mới chớm nở, hoặc như nhà văn chỉ mới phát hiện sau khi đất nước đã hòa bình thống nhất, đã yên ổn, thì ông cũng đã sớm dự báo trước cái ngày “tận thế”, ngày suy tàn của niềm tin và sự cứu rỗi.
Khoảng 1/3 phần đầu tiên là mô tả cái chết của ba người bạn, là những cậu trai trẻ sinh ra trong các gia đình giàu có, lần lượt có tên Cốc, Bóp, Phũ. Trong đó, thủ phạm gây ra ba cái chết bí ẩn kia được nghi ngờ là một cô gái xinh đẹp tên Mai Trừng. Người đàn ông duy nhất chứng kiến, là “tôi”, người kể chuyện, được biết đến qua danh xưng “Thuyền trưởng” đã quyết định lên đường tìm kiếm cô gái ấy nhằm tìm hiểu sự thật và cũng để đi giải đáp ẩn số cho số phận của mình. Nhưng vụ án chỉ là cái cớ để thân phận con người được bộc lộ. Thông qua từng cái chết xảy ra, tác giả đã quay ngược lại thời gian để kể về số phận, tính cách, cũng như góc khuất trong cuộc sống của từng người một, trong đó có chính bản thân anh, một người thích vẽ nhưng số phận lại chọn đi tàu hải dương. Cuộc tiếp đất sau nhiều năm lênh đênh trên biển đã cho anh chứng kiến thảm họa cuộc sống trên mặt đất.
Trong khi đó, ở một tuyến nhân vật khác, là Mai Trừng, là ba mẹ cô, là bà cô Giềng, cô Miên, hai người phụ nữ đáng thương phục vụ chiến tranh đã chăm sóc Mai Trừng sau cái chết thảm khốc của cha mẹ con bé. Sứ mạng của Mai Trừng đã được mẹ cô trước khi nhắm mắt định đoạt là mai sau lớn lên sẽ trừng trị kẻ ác. Một lời nguyền. Nhưng cũng là một hình ảnh trào phúng ẩn dụ về cái ác chưa bao giờ tắt, trong khi chúng ta cứ ngỡ chiến tranh đã là sản phẩm thâm độc nhất của con người rồi, và sau chiến tranh, hoa sẽ nở, con người sẽ sống tốt với nhau.
Cõi người rung chuông tận thế. Trong hành động cấp thiết- rung chuông, người viết đang muốn gióng một hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại về những hậu quả tiềm tàng từ thói sống ích kỷ, trưởng giả, lạm quyền của một số nhân vật trong truyện.
“Ngay từ đầu, anh đã cân nhắc và đặt tên khách sạn là The Apocalypse, chứ không phải là Apocalypse Now. Chiết tự thì The Apocalypse có nghĩa là Khải huyền, khúc cuối cùng trong Kinh Thánh Tân Ước, kể về Thánh John báo trước cho đồ đệ về ngày tận thế.”
Vốn là một nhà văn đã từng trải nghiệm trong quân ngũ, một số tác phẩm nổi tiếng có đề tài chiến tranh, nhưng trong cuốn tiểu thuyết này, Hồ Anh Thái đã khéo léo kết nối số phận con người giữa hai thời cuộc: trong chiến tranh và khi hòa bình. Dẫu vậy, len lỏi trong sự khắc nghiệt của xã hội, vẫn có cái đẹp được nhà văn nhẹ nhàng nhắc đến, đó là cô Miên chẳng bao giờ nghi ngờ một ai, một nhân vật mang tấm lòng trinh bạch luôn nghĩ mọi người đều tốt. Như mối nhân duyên giữa nhân vật thuyền trưởng và Mai Trừng, họ tìm thấy nhau trong sự đồng cảm của tâm hồn, ý nghĩa cuộc sống. Giữa sa mạc vẫn có chỗ để mặt đất nở hoa. Giữa bao dục vọng tầm thường của con người, vẫn có những khát khao đi tìm tình yêu thực sự.
Tận thế sẽ diễn ra, khi con người ngừng yêu thương nhau.