Tôi nghĩ về những sợi tơ buồn cứ vấn vít mãi trong lòng con người ta rồi đan bện chặt dần theo năm tháng. Những sợi tơ buồn, những nỗi buồn nhỏ nhặt được giăng kiên trì mỗi ngày. Một ít. Gần đây tôi có đọc quyển “Quấn quít ” của Romain Gary, tôi tâm đắc cách ông nhìn vào được những nỗi buồn tế vi, sâu kín nhất của con người, đặc biệt trong thời hiện đại.
Người ta chỉ quan tâm đến những Nỗi buồn Lớn, như tấm lòng nhân đạo của giáo sư Tsoures quan tâm đến “vụ tra tấn ở Algeria, bom napan ở Việt Nam, nạn đói ở châu Phi” và do đó mà “tôi không phải tầm”. Nhận vật Cousin cô đơn giữa chốn Paris 10 triệu người. 10 triệu người, con số ấy được lặp lại xuyên suốt câu chuyện như để nhân vật nhắc nhở mình đang ở đâu. Anh biết mình đang lạc vào cái gọi là “vô danh của thành phố lớn” như nhân vật Bowing trong tác phẩm của Patrick Modiano từng nói. Anh cô đơn, anh thèm khát tình yêu thương, thèm khát đến mức chết đi được. Anh muốn mình trở thành một thảm họa mang tính toàn cầu, bởi có như vậy, thì anh mới được để mắt đến. Anh biết: “Tôi không làm nên sức nặng của bất hạnh, tôi là số không tròn vạnh, trong khi giáo sư dào dạt tình thương và quen đếm đến hàng triệu”. Vậy nên anh tự biết kết luận, đưa ra một lời khuyên có phần chua chát, nhưng dành cho tất cả chúng ta, để tự dặn mình những lúc nỗi cô đơn chọc thẳng lên cao, xuyên suốt tâm can ta như những ngôi nhà cao chót vót đang đâm lấy mảng trời đêm rỉ máu.
“Khi người ta đi lướt qua cạnh bạn không nhìn lấy một cái, thì đó không phải tại bạn không tồn tại, mà tại những vụ tấn công có vũ khí ở ngoại ô Paris. Vả lại, tôi hoàn toàn không có vẻ gì của một gã Algeria”.
Cuối cùng, tôi ấn tượng nhất một câu, nó làm tôi run rẩy lạ lùng: “Tất nhiên, tôi không phải là một vụ tàn sát”. Và kể cả tôi có thể đi nữa, nhìn ngoài cũng không thấy được. Không ai nhìn thấy được vì cái thảm họa đang diễn ra ngay giữa cuộc đời tôi. Trong vũ trụ, bao phủ toàn khắp cái “tinh cầu giá lạnh” của tôi. Cái tinh cầu giá lạnh mà Chế Lan Viên ao ước đứng trên đó với một niềm cô độc tuyệt đối. “Mỗi con người là một vũ trụ”, ta thường nói thế. Cú va chạm của những thiên thạch u buồn cùng giận dữ xoẹt vào nhau tóe lửa trong vũ trụ mênh mông bao la, thăm thẳm của tôi mà chỉ có tôi hay biết. Vì vậy tôi là thảm họa của chính tôi, thảm họa đang xảy ra âm thầm trong tôi. Giữa cuộc đời tôi. Nó không là một cú nổ lớn, không có những Nỗi buồn Lớn, chỉ là những Sợi tơ buồn. Hằng ngày, người khác xem nhẹ nỗi buồn của tôi và tôi, tôi cũng học cách xem nhẹ nỗi buồn của chính mình. Chúng đan bện một tí từ những lời vặt vãnh của mọi người xung quanh, của những chấn động lướt qua trong đời mà tôi bắt buộc phải vượt qua nhanh chóng. Ta không có thời gian để bình phục, để chữa lành trọn vẹn cho một nỗi đau nào. Có những lúc đêm về và khóc, nhưng rồi lại thôi, tôi học cách để biết vượt qua nỗi đau. Tôi điềm tĩnh, tôi hài hước, tôi lạc quan với giọng điệu mỉa mai, hệt như nhân vật Cousin đang đối mặt với cuộc sống. Nhưng tác phẩm Romain Gary đánh thức trong tôi ý thức về giá trị của những Nỗi đau Nhỏ. Tôi không cần những giá trị phổ quát, tôi cần những giá trị hiện hữu cá nhân. Tôi không có một lí do chính đáng cho nỗi buồn của mình, tôi không được phép vớ vẩn như thế. Tôi có thể cảm thấy no mỗi ngày trong khi hàng triệu người khác kiếm kế sinh nhai, những đứa trẻ lang thang ngoài đường vơ vất, tôi có công việc, tôi có một căn nhà để về. Vậy mà tôi vẫn không sao hết cô đơn, tôi không thể nào ngừng tổn thương vì kẻ khác. Những sợi tơ buồn giăng kín theo năm tháng để rồi chằng chịt đến mức tôi cảm thấy mù mịt khi bước vào thế giới của chính mình. Những sợi tơ buồn nhỏ bé mà giờ đây đã đan bện thật chặt đến mức tôi không thể nào cắt bỏ được. Chúng ăn sâu vào “thành lòng” tôi. Và thế là những Nỗi đau Nhỏ đã tích tụ thành một Nỗi đau Lớn. Lớn đến mức tôi không thể nào thấy nó rõ ràng nữa, lớn đến mức hóa thành hư vô, lớn đến mức bao phủ hết mọi cảm giác của tôi về đời sống. Tôi trở thành “kẻ lạ xa” giữa đời sống này, những cuộc nói chuyện rì rào tiếng người, những bờ vai xuệch qua nhau xoành xoành, những gương mặt chẳng kịp nhìn hay những gương mặt nhìn đến vô cảm. Tôi trở thành một outsider đúng nghĩa, một kẻ ngoài cuộc. Đôi lúc tôi muốn cái điều mà Milan Kundera từng nói: “người ta muốn trở nên yếu đuối hơn nữa, người ta muốn ngã quay ra giữa đường trước mặt thiên hạ, người ta muốn nằm lăn ra đất, muốn xuống thấp hơn cả mặt đất”. Thi thoảng tôi không thể không thấy mình thảm hại như một chú chó hoang đi lạc, bỗng mong muốn một cái vuốt ve trên mái đầu lông xù mềm mại, nhìn thẳng vào mắt sâu kia một ánh nhìn thương hại. Nó thoáng qua, rồi lại thôi, thi thoảng tôi thấy hổ thẹn cho những ý nghĩ như thế, nhưng không sao tránh được. Tôi giấu nhẹm chúng, tôi cố gắng ứng phó một cách khéo léo.
Tiện thể cũng làm tôi nhớ đến quyển truyện ngắn của Murakami gần đây tôi đọc: “Những người đàn ông không có đàn bà”. “Phải, mình bị tổn thương. Rất, rất sâu sắc. Anh nói với chính mình. Và khóc”. Kino nhận ra có những nỗi đau cần được cảm nhận, có những nỗi đau đáng lẽ người ta phải đau như thế, như người ta phải thế mà người ta lại không làm. Tôi nhận ra tôi đã trốn tránh hèn nhát, rằng tôi không vượt qua, tôi cứ để nỗi đau lớn dần, đan những sợi mỗi lúc một dày, một dai và khó thể nào tháo gỡ. Chúng chằng chịt, quấn chặt thành những nút thắt riết vào trong tâm hồn. Đôi lúc như ngợp thở. Tôi biết những Nỗi đau Nhỏ cũng cần được cảm nhận, chúng cũng đáng được quan tâm, nhiều như những Nỗi đau Lớn. Và nỗi đau của cá nhân cũng không thua gì một thảm họa số nhiều.
Romain Gary hay Émeli Ajar – nhà văn hai lần đoạt giải Goncourt khiến tôi xúc động lạ kì. Trong một đêm đầy ắp nỗi cô đơn của thành phố lớn, tôi viết về nỗi buồn của mình mà cũng viết cho Quấn quít, thật sự mới hợp làm sao. Tôi thật sự thấy mình sống với quyển tiểu thuyết này, tôi cảm nhận nó bằng tất cả những gì trong “thành lòng” tôi. Tôi muốn tỏ lòng khâm phục đến Romain Gary, một chất văn hài hước mà tinh tế vô cùng, ẩn ngầm sau đó những suy tư triết học.
Tâm trí tôi bỗng cất lên giai điệu những câu thơ của Thanh Tâm Tuyền:
“Tôi biết những người khóc lẻ loi
Không nguôi một phút
Những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
Em biết không
Lệ là những viên đá xanh
Tim rũ rượi”“Sao tuổi trẻ quá buồn
Như con mắt giận dữ
Sao tuổi trẻ quá buồn
Như bàn ghế không bầy”