Nhắc đến An Ni Bảo Bối, người ta sẽ nhớ đến nữ tác giả trẻ chuyên về dòng văn học ling lei, một trào lưu văn học từng rất thịnh hành ở Trung Quốc và cũng đã từng thu hút rất nhiều bạn đọc Việt Nam. “Xuân Yến” là cuốn sách đầu tiên của An Ni Bảo Bối mà tôi đọc, cũng là cuốn sách đầu tiên thuộc dòng văn học đặc biệt này, và có thể nói cả An Ni Bảo Bối lẫn ling lei đều không thuộc thể loại yêu thích của tôi với những trải nghiệm đọc không mấy dễ chịu.
Như cái tên của nó: “Xuân Yến” cuốn sách với tham vọng kể về một quãng đời tuổi trẻ đầy hoa mộng, nhiều niềm vui và tràn ngập sự hân hoan như một bữa tiệc mùa xuân với câu chuyện của hai nhân vật chính: Khánh Trường và Tín Đắc. Cuốn sách gần như không có cốt truyện, chủ yếu là độc thoại nội tâm của các nhân vật, sự gặp gỡ, yêu đương cuồng nhiệt rồi chia lìa. Với chủ đề và câu chuyện có vẻ nhiều hứa hẹn, thế nhưng An Ni Bảo Bối sa đà quá nhiều vào việc mô tả, tả cảnh tả tình rất nhiều, hơi bị hào phóng thậm chí có phần dư thừa, phong hoa tuyết nguyệt đủ cả, bay bướm từ trong nhà ra ngoài ngõ từ giọt sương đọng trên lá tới ánh trăng ngoài cưa sổ nhưng rất tiếc lại quá rời rạc và không ăn nhập vào nội dung và có phần khó hiểu chẳng hạn tôi đọc đi đọc lại đoạn này vẫn không hiểu ý An Ni Bảo Bối là gì, và liên quan gì đến những đoạn xung quanh: “Đồ sộ vô dụng giả tạo phồn vinh trống rỗng tan tành, thảy chỉ là bề ngoài và hình thức chứ không phải nền tảng và phương hướng. Dùng để lấp đầy những kẽ hở thời gian thì được, nhưng không chỉ dẫn được cho tâm hồn. Vì thiếu đi cảm giác an toàn, các cá thể có xu hướng ẩn mình rồi tự tan biến giữa đám đông và trào lưu, suy đến cùng là do yếu ớt về ý chí và tính độc lập”. Trong Xuân Yến có rất nhiều đoạn tương tự như vậy khiến tôi hoang mang và ngán ngẩm.
Ngoài ra, cách miêu tả quá “sến” và lỗi thời theo kiểu cổ điển của văn học Trung Quốc khiến câu văn có nhiều lúc chẳng phù hợp với bối cảnh hiện đại của tác phẩm khiến tôi có nhiều lúc cảm giác An Ni đang múa chữ quá tay. An Ni có lẽ rất thích triết lý nên chương nào cũng không quên viết thêm một câu đại loại tình yêu là gì, tự do là thế nào, ký ức hình thành ra sao… giống mấy câu được trích dẫn đầy khắp mọi nơi, đọc thì có vẻ hay, hoa mĩ, nhưng chỉ mang tính chất hình thức hơn là hỗ trợ nội dung. Cách dùng từ của An Ni cũng không quá đặc sắc, khi cô lặp từ khá nhiều, và đặc biệt có có vẻ thích từ “tự sinh tự diệt” nên lặp đi lặp lại cả chục lần, dùng miêu tả người, tả cảnh, tả cuộc sống cũng “tự sinh tự diệt”, đơn cử là vài đoạn dưới đây:
“Cầm Dược thuộc dạng đàn ông mà khả năng tự sinh cũng mạnh ngang tự diệt.”
“Chúng là thứ quả tự sinh tự dưỡng, không phải đất bùn trong tay người lớn, cũng không phụ thuộc ước mong của ai.”
“Nói chung, những đóa hoa của tâm hồn cô thuộc loại tự sinh tự diệt, một mình tiêu vong trong tịch mịch mãi trên cao, sỡ hữu vẻ đẹp không ai chiêm ngưỡng”
“Câm lặng, tự sinh tự diệt. Nhẫn nại mà sống, giống phần lớn những người bình thường khác.”
“Cô được đặt ở một góc bất kì của thế giới, để sóng đẩy đưa, lẻ loi đơn độc, tự sinh tự diệt”
Cách viết không xuất sắc, nhân vật của An Ni càng khiến tôi chán ngán nhiều hơn, các nhân vật nữ được Annie miêu tả bằng những tính từ rất cá tính như mạnh mẽ, tự do, cứng rắn… nhưng tôi hoàn toàn không thấy được những tính cách ấy, hành động thì đầy mâu thuẫn, đoạn trước vừa bảo biết là mối quan hệ với người đàn ông ấy đến đây là hết không thể vãn hồi (dĩ nhiên là không quên khuyến mại một đoạn rất dài, đầy triết lý giải thích tại sao làm tôi cũng khấp khởi rằng nhân vật đã mạnh mẽ hơn) thì ngay sau đó đã bị chính người đó dụ dỗ bỏ tất cả cùng đi đến Hong Kong. Các mấy nhân vật nam thì yếu đuối, nhu nhược, hoàn toàn mờ nhạt và không có chính kiến nhưng vẫn được các nhân vật nữ yêu điên cuồng, say đắm chắc cũng tại chàng ta giàu và đẹp trai (những thứ khác không quan trọng, chỉ cần giàu và đẹp trai là đủ).
Khép lại cuốn sách, tôi thật sự thất vọng với những gì An Ni Bảo Bối đã thể hiện trong “Xuân Yến”, dĩ nhiên chỉ mới đọc tác phẩm duy nhất của một tác giả thì tôi chưa có một cái nhìn bao quát về sự nghiệp sáng tác của cô, nhưng đôi lúc, chỉ một lần là đủ, và chắc chắn tôi sẽ tránh cái tên An Ni Bảo Bối cho những lần chọn sách tới của mình.

“Thiên đường thì buồn”
Anh Huy có vẻ khó chịu vì Xuân Yến dài dài nhỉ, em cũng tò mò cuốn này :PP