Tôi luôn cho rằng mỗi người chúng ta đều có một thứ gì đó xuất hiện trong cuộc đời để neo đậu sự tồn tại của ta lại. Với “Trái tim cất trong chai” có lẽ Ovliver Jeffers cũng đồng ý với tôi điều đó.
Cái gì đã giữ tôi lại thế gian này?
Câu hỏi đó đã đeo bám tôi từ khi còn rất nhỏ, khoảng 6-7 tuổi. Lúc đầu, nó chỉ là những cảm giác khó chịu và những bực dọc trước những thứ diễn ra xung quanh tôi. Tôi không biết rõ ràng lắm đó là gì và cũng không biết phải lý giải thế nào cho người lớn hiểu? Chỉ biết nó giống như những cơn ngứa, những cục nghẹn dai dẳng. Cho đến khi thời gian và những đổi thay của cuộc sống xung quanh làm cho tâm trí tôi bận rộn, cái “thứ ám ảnh” đó mới chịu lùi vào sâu thẳm những tầng kí ức. Bỗng một ngày, cầm trên tay “Trái tim cất trong chai”, tôi như bị đánh một cái thật mạnh vào sau gáy. Rồi tôi bừng tỉnh và nhớ ra gần như toàn bộ tuổi thơ mình.
Đó cũng chỉ là một câu chuyện bằng tranh ngắn của một tác giả nổi tiếng nào đó. Và rằng nó sẽ lại là những mẫu chuyện đơn giản nhỏ nhỏ con con cho mấy bé tập đọc. Cái định kiến trong đầu vang lên khi tôi nhìn cái bìa vàng vàng của “Trái tim cất trong chai” nằm ngay ngắn trên kệ sách dành cho thiếu nhi của Nhã Nam vào một buổi chiều không nắng. Điều làm tôi không ngờ tới là chỉ với 32 trang mà nó đã mở khóa được căn phòng kí ức tuổi thơ của tôi, những năm tháng mà tôi sẽ không thể nào lấy lại được cùng với những tiếc nuối về hạnh phúc gia đình mong manh. Cô gái nhỏ trong chuyện cũng giống như tôi hồi nhỏ, cũng có những tò mò và suy nghĩ ngây thơ về mọi thứ trên đời, về chim trời, về cá biển… Em sống hồn nhiên và cho rằng có những thứ là tất nhiên, là bất biến, là có sẵn và sẽ mãi ở bên em. Cho đến khi…
Tôi không nhớ lần cuối cùng mà gia đình ba người của tôi, bố mẹ và tôi, đi chơi cùng nhau là khi nào nữa. Tôi chỉ nhớ trong tập album hình mà mẹ tôi cất trong giỏ có một tấm chụp tôi và bố mẹ ở trong công viên bên cạnh một con thiên nga bự bự. Lúc đó tôi còn khá nhỏ để có thể định vị sự tồn tại của mình bên trong “mái ấm” của hai người đó. Đó có thể là lần cuối cùng… vì những ngày tháng còn lại trong kí ức của tôi là những trận cãi vã, là những xô xát, là những giọt nước mắt… Tất cả mọi thứ đó hiện ra trước mắt tôi giống như tôi đang đứng trong một rạp chiếu bóng với tất cả những hình ảnh và âm thanh sống động vậy. Nhưng trái ngược với những khung hình đó chỉ là một thực tại trống không, nơi đây có một mình tôi và căn phòng.
Cô gái nhỏ chạy lại chiếc ghế mà bố cô hay ngồi đọc sách để khoe khoang thành quả mà cô làm được nhưng ở đó chỉ còn lại đám bụi và cái bóng ghế nghiêng nghiêng. Cô sững sờ và kinh ngạc trước một hố sâu thăm thắm bỗng hiện ra trước mắt mình, trước quãng đời phía trước của mình. Cô gái nhỏ lặng thinh hoặc cũng có thể cô đã khóc rất nhiều. Không ai biết được, chỉ thấy dáng cô co quắp ngồi nhìn chiếc ghế không người ngày qua tháng lại, hết sáng lại tới đêm. Cô học được bài học mang tên Mất Mát.
Theo tôi đây là cảnh giá trị nhất trong toàn bộ câu chuyện, thời điểm giao thao của quá khứ ấm áp và tương lai trống rỗng của cô gái nhỏ. Nhìn ngắm trang tranh đơn giản kia giống như tôi đang nhìn vào trong thẳm sâu cõi lòng quạnh hiu của cô bé tóc vàng, sâu lắng và xúc động. Có thể nói chưa có tác giả vẽ truyện nào có thể lấy được nước mắt của tôi như Oliver Jeffers cả. Thật kì diệu. Anh vẽ bé gái mà như vẽ tôi vậy.
Khi cô gái bắt đầu mất đi ý nghĩa của những việc cô làm và bắt đầu tháo tim mình bỏ vào chai, tôi thấy hình ảnh mình loay hoay xông xáo nhiệt huyết với những công việc thường ngày để trở về nhà và luôn cảm thấy thiếu vắng điều gì đó. Cô lớn lên và đeo cái chai chứa trái tim trước ngực, tôi trưởng thành và thôi hứng thú hội họp vui chơi.
“Ta chỉ nhận ra thứ gì đó tồn tại khi nó đã mất đi.”
Ta đi qua, đi lại, ta hít thở, và ta nhận ra vị trí của mình nhờ có “nó”. “Nó” ở bên ta, định nghĩa cho ta ngày tháng, ca cho ta bài hát về “sự hiện sinh” mong manh của ta và ta cho “nó” là tất yếu, là bất di bất dịch. Nhưng ta lại không biết rằng nó chính là thứ cho ta ý nghĩa sống, là thứ neo giữ tâm hồn ta lại thế gian này. Đúng như câu nói trên, chỉ khi nào cái thứ đó mất đi, ta mới nhận ra được sự tồn tại của nó. Chỉ khi chiếc ghế đỏ không còn ai ngồi trên đó, cô gái tóc vàng trong chuyện mới biết được “cái người thân” kia quan trọng thế nào với mình. Và chỉ khi mà bố mẹ chia tay thì tôi mới biết được “gia đình” chính là cái thôi thúc tôi sống từng ngày.
Tôi nghĩ, đây không chỉ là một cuốn sách tranh, đây là cả một tác phẩm triết học hiện sinh. Vì nó đã khiến tôi nhận ra và suy nghĩ rất nhiều về cái động lực thúc đẩy tôi sống hằng ngày. Nó đã giúp tôi trả lời câu hỏi có trong đầu tôi từ thuở ấu thơ về lý do tồn tại của mình, của những việc mình làm. Và tôi có thể tóm gọn toàn bộ những gì còn lại trong tôi sau khi đọc song “Trái tim cất trong chai” trong hai chữ “gia đình” quen thuộc mà thật sâu lắng.
Cô bé trong chuyện đã tìm lại được niềm vui, còn tôi thì sao?…

Người yêu sách đã sáng lập Đọc Sách.