Trong lịch sử Việt Nam, có rất nhiều lần đất nước bị chia cắt, trong đó phải kể đến thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 100 năm. Có thể nói đây là giai đoạn khá phức tạp trong bộ máy cầm quyền khi đất nước vừa có vua Lê, chúa Trịnh, và cũng là một thời kỳ báo trước sự suy tàn của chế độ phong kiến. “Đêm hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng không phải là một câu chuyện lịch sử, chỉ là một cách ông kể chuyện với góc nhìn của bản thân và gửi gắm những góc nhìn của riêng mình về bi kịch gia đình chúa Trịnh Sâm với sự thao túng của Tuyên phi Đặng Thị Huệ.
“Đêm hội Long Trì” mở đầu với cảnh kinh thành Thăng Long vào Tết Trung Thu, dẫn dắt bởi Bảo Kim – một chàng thư sinh nho nhã – cùng những người bạn học của mình. Ngay từ những cảnh đầu tiên, Nguyễn Huy Tưởng đã thể hiện khả năng tả cảnh rất chân thực với ngòi bút của mình, những cảnh hội hè nhộn nhịp cứ thể hiện lên trước mắt tôi qua những dòng văn của ông – một đêm hội sầm uất, rực rỡ ánh đèn: “Bờ hồ, trên cành hàng mấy trăm gốc phù dung, dương liễu có treo muôn thứ đèn lồng bằng gấm vóc. Những đèn ấy đều do Chúa Tĩnh Đô sai cung nữ chế ra, tinh khéo tuyệt vời, mỗi chiếc dáng giá mấy lạng bạc. Xa trông như muôn vàng sao lốm đốm sáng.” Xã hội phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ vẫn còn rất tôn trọng Nho giáo, khoa bảng vì vậy trong một đêm hội như thế này không thể thiếu cảnh những văn nhân thi nhau làm phú, ngâm thơ, Bảo Kim cũng những người bạn của chàng cũng không ngoại lệ, và cũng chính ở đây chàng được gặp lại người chàng thầm yêu trộm nhớ: Quận chúa Quỳnh Hoa – con gái yêu của chúa Trịnh Sâm.
Khung cảnh vui tươi, đầy thanh lịch ấy ngay lập tức bị phá vỡ với sự xuất hiện của “cậu Trời” Đặng Lân, em trai của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, một kẻ coi trời bằng vung, làm bao điều ngang ngược tàn ác khi được sự bao che của chị mình. Đặng Lân thản nhiên bắt gái nhà lành hãm hiếp ngay giữa đêm hội, may mắn có sự xuất hiện của Nguyễn Mại ra tay nghĩa hiệp.
Thật ra Bảo Kim, Nguyễn Mại và những người bạn của họ chỉ là nhân vật hư cấu được Nguyễn Huy Tưởng đưa vào như sự đối lập: một bên là chàng thư sinh nho nhã, trói gà không chặt, một bên là chàng anh hùng hào kiệt, không tin vào sách vở. Hai nhân vật này thể hiện rất rõ sự chuyển mình của thời kỳ phong kiến lúc bấy giờ, khi chữ nghĩa nho giáo bắt đầu nhường đường cho những người đấu tranh bằng vũ lực. Có thể xem lại hoàn cảnh lịch sử, dược viết năm 1942, lúc này Việt Nam đang nằm trong sự cai trị của thực dân Pháp, phải chăng lúc bấy giờ ông đang muốn kêu gọi những trang anh hùng vùng dậy đấu tranh?
Câu chuyện được viết với kết cấu nhanh, dồn dập khiến tôi không thể dừng đọc, cảm giác câm phẫn những tội ác của Đặng Lân, tức tối vì sự nhu nhược của chúa Trịnh Sâm, thương cảm cho sự xấu số của Quỳnh Hoa, cảm phục sự nghĩa hiệp của Nguyễn Mại dâng lên theo từng trang sách. Được viết rất giàu chất diện ảnh, “Đêm hội Long Trì” như một bộ phim hấp dẫn, sống động khiến tôi như sống cùng các nhân vật khi bộ máy cai trị phong kiến lúc bấy giờ bắt đầu rệu rã, chồng chéo, các tư tưởng vua – tôi có cảm giác không còn hợp thời nữa.
Nhân vật tôi thấy thú vị nhất trong cuốn sách chính là Tuyên phi Đặng Thị Huệ, được Nguyễn Huy Tưởng miêu tả rất kỹ lưỡng từ giọng nói, nụ cười, dáng điệu đến những toan tính, mu mô, bà hiện lên như một nhân vật mấu chốt của tác phẩm, một tay thao túng chúa Trịnh Sâm bằng sắc đẹp và sự thông minh trời phú. Các nhân vật còn lại, tôi cảm thấy tiếc vì hơi thiếu sự phát triển nội tâm, cuốn sách đơn giản kể chuyện và miêu tả nhiều hơn khai thác cảm xúc nhân vật, khiến cho các nhân vật khá mờ nhạt, thiếu chiều sâu.
Dù vậy, “Đêm hội Long Trì” khẳng định rằng lịch sử Việt Nam có bao điều thú vị chưa được khai thác hết, chỉ một lát cắt nhỏ khi vào tay Nguyễn Huy Tưởng cũng đã tạo nên một câu chuyện hấp dẫn gieo vào lòng tôi sự tò mò. Và có lẽ chính sự tò mò này khiến tôi tìm hiểu nhiều hơn về thời kỳ lịch sử đặc biệt này, cũng như về chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Trong thời buổi bùng nổ thông tin hiện nay, để đọc về giai đoạn lịch sử nào đó thật sự rất tiện lợi, giá như giờ học lịch sử nào cũng khiến các bạn học sinh cảm thấy thú vị và tò mò?
“Thiên đường thì buồn”