Tôi đọc “Con Gái Người Giữ Ký Ức” trong một chiều mưa ảm đạm, và những dòng đầu tiên của câu chuyện mở ra cũng ảm đạm như thế, “Tuyết bắt đầu rơi vài giờ trước khi nàng trở dạ.Lúc đầu chỉ là một vài bông trên bầu trời ảm đạm xám xịt buổi chiều muộn”. Và tôi có cảm giác, khi mưa ngoài trời nặng hạt hơn, cũng là lúc cơn bão tuyết trong câu chuyện bắt đầu. Bằng những chi tiết nhỏ nhặt, đan kết nhau, nếu như hôm đó không phải là một buổi tối bão tuyết, nếu Norah không trở dạ sớm 3 tuần, nếu vị bác sĩ riêng của họ có thể đến kịp, nếu Norah không sinh đôi, hay thậm chí nếu David không phải là người đỡ đẻ cho cô vợ của mình, có lẽ câu chuyện đã rẽ sang một hướng khác.
Vào năm 1964, khi một đứa con của bạn bị Down bạn sẽ làm gì, bạn có làm như David, khi anh đã có một người em bị bệnh tim bẩm sinh chết vào năm 12 tuổi, cái chết của em gái anh không bao giờ khiến anh, mẹ anh, hay bố anh có thể bình phục. Và đúng thời khắc đó, anh quyết định đem cô con gái của mình cho Caroline để cô đem vào nhà cứu tế và báo với Norah rằng cô con gái của họ đã chết. Và một lần nữa câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác khi cô y tá quyết định giữ đứa bé lại cho riêng mình – cô có thể làm khác sao khi cô yêu David đến thế, cô đã cô đơn đến thế hay cái trại cứu tế ấy kinh khủng đến thế.
Mỗi nhân vật trong “Con Gái Ngưòi Giữ Ký Ức” được Kim Edwards giao cho một bí mật, những bí mật làm thay đổi cuộc đời họ và bằng cách nào đó khiến họ không thể kiểm soát cuộc đời mình và có cảm giác mình đang đứng ngoài lề cuộc đời nhìn nó vùn vụt lao đi, đến khi tất cả đã quá muộn. Những bí mật khiến họ phải tự bao bọc mình lại, để rồi không ai có thể vượt qua.
Câu chuyện là cuộc đời diễn ra song song giữa 1 bên là Norah, David và Paul, 1 bên là Caroline, Al và Phoebe. Chính lúc ấy, mối quan hệ các nhân vật mới rõ ràng, tình yêu của Norah và David, của David dành cho Paul, của Norah với con trai, giữa Coraline và Phoebe; các tình yêu ấy rất khác nhau nhưng đều to lớn, bất lực và không thể nói thành lời. Và cái cảm giác của người làm cha, làm mẹ khi con mình còn bé xíu, rồi lớn lên, rồi thoát khỏi vòng tay mình để bước vào đời; cái cảm giác vừa vui sướng vừa lo sợ vừa hoang mang ấy không khỏi khiến tôi xúc động.
Ký ức cũng là một thứ chi phối cuộc đời của toàn bộ các nhân vật trong sách, họ loay hoay đánh vật với nó và học cách quên, nhưng vẫn bị nó ám ảnh, trong đầu luôn luôn đặt câu hỏi “Giá như”. Con người ta không thể nào thoát khỏi ký ức, đến độ, phải nhốt nó vào những tấm ảnh phải chăng để có cảm giác kiểm soát được chúng: biến ký ức thành những vật hữu hình thay vì cứ để chúng là những thứ vô hình luôn đè nặng lên vai.
Và tất cả những điều còn lại, không chỉ là ký ức, mà là sự chuộc tội, sự tha thứ, sự ám ảnh. Và hai con ngưòi đã sống chung trong tử cung 9 tháng đó, liệu có thấy được sợi dây liên kết mong manh giữa họ.
“đôi bàn tay của em gái cậu nhỏ nhắn, giống y hệt như tay của mẹ họ. Cậu bước lên bãi cỏ và đặt tay lên vai cô, dắt cô vào nhà”

“Thiên đường thì buồn”