Sáu Người Đi Khắp Thế Gian – Vì “Tuổi trẻ là chân lý”

 “Tớ tin rằng mọi người đàn ông đều phải xác minh những ước mơ của mình. Và hiểu đúng bản chất của chúng.”

Đã lâu lắm rồi tôi mới được đọc một cuốn tiểu thuyết có những dòng kết thúc đẹp đẽ và tuyệt với đến như vậy, gấp lại cuốn sách, tâm hồn tôi vẫn còn phiêu du theo những chuyến đi của các nhân vật chính trong “Sáu người đi khắp thế gian” của James A. Michener, một cuốn sách mà, tôi nghĩ, thấu hiểu tuổi trẻ đến tận những ngóc ngách sâu thẳm nhất.

Tôi đã theo chân sáu nhân vật chính trong một hành trình tuyệt vời từ Torremolinos, Tây Ban Nha, qua Algarve, Bồ Đào Nha, Pamplona, Tây Ban Nha và Mozambique; đến Marrakech, Ma-rốc trong những hỗn loạn năm 1969. Sáu người trẻ ấy, từ mười bảy đến hai mươi mốt tuổi, đều đang tìm cách thoát ra những thứ ám ảnh họ. Đối là Joe, đó là quân dịch ở Việt Nam, còn Britta là mùa đông u ám lạnh lẽo của Na Uy, Monica loay hoay vật lộn với cái bóng của cha mình, Cato thì là cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc ở Philadelphia, Yigal/Bruce vẫn phân vân giữa hai đất nước, hai cái tên Israel hoặc Mỹ và cuối cùng Gretchen, cô vẫn đang tìm kiếm cách quên đi vết thương của việc bị lạm dụng tình dục. Họ đã chạy trốn, theo những cách khác nhau đến Torremolinos, và một cách tình cờ, George Fairbanks – sáu mươi mốt tuổi – nhiều hay ít đều quen biết sáu người trẻ để cùng tham gia chuyến hành trình của họ như một người dẫn đường, một người bạn và cũng là người kể lại câu chuyện tràn đầy cảm hứng ấy. Chắc chắc, những ai đang trong độ tuổi thanh xuân, cũng như tôi sẽ bắt gặp hình ảnh của mình trong sáu người trẻ ấy, họ không chỉ là đại diện cho một thế hệ mà còn đại diện cho những sắc tộc, tính cách khác nhau để rồi cảm thấy đồng cảm và gắn kết với họ như cái cách sáu người trẻ gắn kết với nhau, đó là ý tưởng rằng cuộc sống phải có mục đích và mỗi người phải tự mình dẫn đường cho những lối đi của bản thân, rằng tuổi trẻ phải tìm hiểu bản thân và thế giới. Chúng ta không biết gì cho đến khi chúng ta hiểu rõ bản thân mình và ai cũng cần phải có những giấc mơ. Cuộc hành trình của các nhân vật trong “Sáu người đi khắp thế gian” không phải lúc nào cũng tràn ngập niềm vui hay sự hân hoan, họ đi rất chậm rãi để khám phá và quan sát thế giới, và rồi, cũng như bao người trẻ khác, họ cũng bị nỗi cô đơn chế ngự, những nỗi buồn dằn xé tâm can, rơi vào những thứ tưởng rằng có thể giải thoát họ ra khỏi những buồn đau: ma túy và tình dục.

Tôi đã mê đắm những cảnh quan tuyệt diệu của các vùng đất xa xôi trong “Sáu người đi khắp thế gian” như cách các nhân vật say mê nó với một sự nhiệt tình, đến tận khi khép lại cuốn sách đồ sộ này, tôi vẫn tiếc vì cuộc hành trình của sáu người trẻ ấy không kéo dài mãi, cảm giác ấy cũng gần như khi tôi trở về nhà sau một chuyến đi dài, với đôi mắt và trái tim rộng mở vì “kẻ dại khờ thì phiêu dạt, người khôn ngoan thì phiêu du.”

Chúng tôi ước mơ điều gì cho chính chúng tôi và cho thế giới chúng tôi đang sống? Hãy để chúng tôi tìm kiếm giấc mơ của mình trong những cuộc hành trình mà tự chúng sẽ dẫn lối khi chúng tôi vẫn là những tâm hồn trẻ trung khát khao khám phá thế giới. Bởi vì một khi con người đã không còn những giấc mơ, Michener dường như muốn nói, đơn giản đó là lúc chúng ta tìm kiếm sự ủi an của cái chết. “Sáu người đi khắp thế gian” hay câu chuyện về việc hãy luôn giữ trong tim mình những ước mơ vì “tuổi trẻ là chân lý”.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.