Người Tình Sputnik (Haruki Murakami) – Những vệ tinh cô đơn giữa vũ trụ bao la

Là cuốn tiểu thuyết thứ 3 của Murakami mà tôi đọc, vào một bữa chiều mùa hạ, xung quanh là những tiếng ồn của việc sửa nhà, nhưng Người Tình Sputnik vẫn để lại cho tôi ám ảnh và cảm xúc nhiều hơn bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào của Murakami trước đây.

Người Tình Sputnik cuốn hút tôi ngay từ những dòng đầu tiên,  khi mà Sumire yêu lần đầu tiên trong đời. Một tình yêu mãnh liệt, một cơn lốc xoáy thực sự quét qua các bình nguyên – san phẳng tất cả những gì nó gặp trên đường, tung mọi thứ lên trời, xé chúng ra từng mảnh, nghiền nát thành từng miếng. Cơn lốc không hề giảm cường độ khi băng qua đại dương, biến Ăngko Vat thành đống hoang tàn, thiêu cháy rừng già Ấn Độ với hổ báo và muôn loài, rồi biến thành cơn bão cát sa mạc vùng vịnh Ba Tư, chôn vùi cả một thành phố pháo đài kỳ lạ dưới biển cát. Với những từ ngữ đặc tả như thế, tình yêu của Sumire thậm chí khiến tôi phải ao ước mình gặp cơn bão lốc ấy một lần trong đời, được cuốn vào nó để được yêu cuồng nhiệt, quên tất cả, tan biến vào nó.

Và tình yêu ấy vẫn đẹp, bất chấp việc người Sumire là một phụ nữ, bất chấp việc người ấy lớn hơn cô tận mười bảy tuổi, bất chấp việc người phụ nữ ấy đã có chồng. Nhưng Murakami vẫn chứ nhẩn nhơ, không đề cập ngay tới cơn lốc xoáy ấy sau khi khiến nó len lỏi vào tâm trí tôi. Ông kể về cuộc đời của Sumire, về gia đình, về bạn bè, và cả về chính nhân vật “tôi”. Cuộc gặp gỡ của Sumire và Miu chỉ được ông miêu tả thấp thoáng xen lẫn những điều ấy.

Một điều ấn tượng nữa là về Sumire, về sự cô độc của cô, về sự cô độc của “tôi”. Không người nào đi hết cuộc đời mà chưa một lần trải nghiệm tình cảnh cô độc dữ dội, thậm chí buồn chán, giữa chốn thâm sơn cùng cốc, chỉ dựa vào chính mình và nhờ đó biết được sức mạnh thực sự đang ẩn chứa trong con người mình. Một sự cô độc đến mức thần thánh và trải khắp xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. 

Trái với tình yêu của Sumire dành cho Miu, tình yêu của “tôi” dành cho Surmire đến một cách từ từ, chậm rãi, bắt đầu từ tình bạn, và dần dần kết tình thành tình yêu, một tình yêu mà “tôi” biết sẽ chẳng bao giờ được đáp lại.

Murakami để ta có cảm giác Miu là nhân vật vui tươi, thật sự hạnh phúc, nhưng đến cuối cuốn sách, tôi chợt nhận ra Miu chính là nhân vật cô độc nhất trong bộ ba, cô độc đến mức đáng sợ. Sau cái biến cố lạ lùng ấy xảy ra trong cuộc đời cô.

Họ chính là những vệ tinh cô đơn trong vũ trụ, bay vòng quanh trái đất để chỉ một lần lướt qua nhau, rồi lại bay mất, không có gì là trọn vẹn, tất cả đều dang dở, dang dở một cách đáng thương. Đến độ Sumire phải tan biến vào một thế giới khác,  Đó là thế giới của hồn, thế giới của những người đã chết một nửa như Miu, thế giới mà phải chăng nửa kia của Miu dành cho cô đang chờ đợi.

Đến độ khi đóng cuốn sách lại, tôi không khỏi thốt lên: “Tại sao các nhân vật của Murakami lúc nào cũng cô đơn, lạc lõng đến mức tuyệt vọng thế kia”. Đọc Murakami luôn mang lại cho tôi cảm giác mất mát, như thể ông đang kể lại một phần tuổi trẻ không trọn vẹn của chính tôi.

Điện thoại reng, cô bạn thân – người đã giới thiệu “Người tình Sputnik cho tôi – nhắn một câu cậu ấy ấn tượng nhất cuốn sách:

“Rốt cuộc, như bao nhiêu lời hứa hẹn tốt đẹp trong đời chúng ta, cuộc hẹn ăn tối ấy không bao giờ thành hiện thực.”

Và tôi không thể nào gạt bỏ câu ấy ra khỏi đầu mình. 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.