Nếu có một cuốn sách nào để tặng cho những người bạn đang theo đuổi ngành phóng viên, và đam mê du lịch, tôi nghĩ khó có cuốn sách nào phù hợp hơn Du hành cùng Herodotus.
Đây không phải là sách du ký bình thường, Ryszard Kapuscinski, lúc này đang là biên tập viên Ba Lan đã viết trên đường đi công tác ở Ấn độ. Các vùng đất Ai Cập, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ,… đều sở hữu những bí ẩn lạ thường mà một cuốn sách du ký không bao giờ có. Chọn cách bỏ qua các cảnh đẹp, Kapuscinski trà trộn vào những góc, các hẻm hóc, nơi mà cánh phóng viên thời thượng không bao giờ tìm đến. Nhưng niềm ham thích khám phá các nền văn minh xa lạ, là một thế giới khác mà ông không hề nghĩ chúng tồn tại, đã thúc đẩy ông muốn học tiếng địa phương ngay tức thì, muốn đọc cả đống sách chuyên đề, muốn đặt ra những câu hỏi tối kỵ với người bản địa… Khác với những suy nghĩ thông thường về một ghi chép trên đường, Du hành cùng Herodotus lại sở hữu những biểu cảm văn chương với ngòi bút tường thuật sắc sảo, bao gồm tự sự, một phần phê bình văn học và thiền định. Cách thức đan xen hai câu chuyện du hành thuộc hai thời đại khác nhau, một của chuyến đi thực tế của tác giả qua các nước trên thế giới, những năm 40 – 50s; và một chuyến đi của sử gia thời La Mã, Herodotus ở thế kỷ thứ 5 trước công nguyên.
Cuốn sách này có một cách đặt vấn đề khá đặc biệt, đó là cuốn sách ra đời từ một cuốn sách khác, rằng nếu không có cuốn Sử ký của Herodotus, thì sẽ không có Du hành cùng Herodotus của nhà báo Ryszard Kapuscinski. Và nếu lịch sử không có vị sử gia Herodotus, thì sẽ không có một Ryszard Kapuscinski mà chúng ta đang đọc những ghi chép của ông, nhà báo có niềm đam mê kỳ lạ với việc tìm hiểu những diễn biến lịch sử, nhìn nhận và phân tích chúng, đôi khi nó nằm ngoài phận sự của một nhà báo thông thường, là nhà phân tích, và hơn hết, đó là việc của một nhà văn.
Kapuscinski vừa đọc những ghi chép của Herodotus, và ghi nhận những sự kiện diễn ra tại từng thành phố mà ông đi qua. Cách quan sát sóng đôi này đã cho phép ông tham gia vào một cuộc du hành thú vị, ông phá vỡ rào cản của thời gian, xuyên qua những bức tường lịch sử và nhìn về những vùng đất đã từng ghi dấu chân của người tiền nhiệm, sử gia Herodotus.
“Có những nền văn minh từng mâu thuẫn với nhau, nhưng hôm nay cùng hợp nhất, để ngày mai, có thể, lại rơi vào tình trạng xung đột. Tóm lại, với Herodotus, tính đa văn hóa của thế giới là một mô sống đang đập, không có cái gì của nó được đưa ra và xác định vĩnh viễn, mà thay vào đó, nó không ngừng biến hình, thay đổi, tạo ra các mối tương quan và phạm vi mới”. (Trích Quang cảnh nhìn từ Minaret)
Trong những ghi chép qua từng vùng đất tưởng cũ hóa ra đều là xa lạ, Kapuscinski đã không ngừng tự vấn và giải đáp cho câu hỏi quan trọng, đó là xung đột giữa Đông và Tây, tại sao từ xưa giữa chúng lại tồn tại mối quan hệ mâu thuẫn, thù địch. Trong khi Herodotus đã hành động thận trọng bằng cách giấu lại phía sau và để cho người đọc trả lời, thì Kapuscinski lại lần mò sâu vào từng ghi chép một cách cẩn thận và đặt câu hỏi ngược lại với chính ông, hoặc cũng có thể với Herodotus. Mọi cuộc chiến lịch sử đều làm cho hai con người này ngạc nhiên, sửng sốt, hoảng sợ và họ say mê muốn biết điều gì diễn ra tiếp theo. Nhận thức rõ cuộc sống này luôn thay đổi, trật tự thế giới vẫn có thể thay đổi chỉ trong nháy mắt, nên ông đã ghi chép rất thận trọng, thường xuyên cảnh báo, luôn nhấn mạnh sự dè dặt. Khi đọc cuốn sách này, chúng ta sẵn sàng để trí óc rộng mở với hai chuyến du hành vĩ đại này.
Người đọc dễ dàng tìm thấy các sự kiện lịch sử đáng nhớ trong cuốn sách này, nhưng đó chưa phải là điều quan trọng. Cách mà Kapuscinski chọn để mở rộng nội dung cuốn sách chính là nhận định về sự kiện đó. Điều này nếu không phải ở một người có kiến thức và vốn hiểu biết rộng lớn, thì rất khó làm được. Trong chương Trăm hoa của chủ tịch Mao, Kapuscinski khi ông nói về Mao, nhân vật này đề cao chiến thuật không ngừng quấy rối với kẻ thù trong mọi cuộc chiến. Chiến tranh kéo dài, đất nước bị tàn phá, người dân có khổ cực đến đâu thì vẫn phải chiến đấu, có thể linh hoạt và kiên trì đợi thời điểm phù hợp, nhưng không được bỏ qua cho kẻ thù. Hay điều đầu tiên khiến ông có một niềm thôi thúc khám phá Trung Quốc là từ Vạn Lý Trường Thành, nó được xây từ khi Herodotus còn sống cho đến khi châu Âu có Bach, Leonardo da Vinci. Dù đánh đổi bằng nhiều máu, dù ngắt quãng qua nhiều triều đại thì dân tộc Trung Hoa sẽ không bao giờ ngừng hoàn thiện Vạn Lý Trường Thành, cũng như các mục đích chính trị của họ. Đây chỉ là một chi tiết rất nhỏ để cho thấy là cách xâu chuỗi sự kiện, cách mà ông giới thiệu một quốc gia nào đó trong cuốn sách này tài tình như thế nào.
Herodotus hay Kapuscinski đều là người lắng nghe phi thường, một người chú tâm, điều này đã làm cho bản thân tôi cảm thấy bản thân đã thực sự thụt lùi về nhận thức, một kẻ có trí nhớ quá kém cỏi vì đã phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị di động, ít đọc hơn, quan sát kém đi, và do đó, nhận thức trở nên tệ hơn.
Đây là cuốn sách du ký thật sự tầm vóc, và tôi nghĩ rằng, cuốn sách sẽ khiến cho những nhà văn chỉ viết tản mạn, “cưỡi ngựa xem hoa” các cảnh đẹp ở những địa điểm du lịch nổi tiếng phải xấu hổ.