Những nẻo đường đời và những bản tình ca khác – Khúc hát ngọt ngào của những người phụ nữ

Những ngày cuối năm, thời tiết khá kỳ cục khi bỗng dưng lại mưa to, tôi đọc lại “Những nẻo đường đời và những bản tình ca khác” của Le Clézio và cảm giác từng câu chữ của cuốn sách dịu dàng chảy vào tâm trí với những câu văn thấm đẫm nỗi buồn và đầy khao khát tự do.

Cuốn sách gồm sáu câu chuyện ngắn, và các nhân vật chính trong các câu chuyện đều là những người phụ nữ, Le Clézio là một nhà văn đặc biệt quan tâm đến thân phận của những người phụ nữ và luôn luôn khiến người đọc mở rộng đôi mắt và trái tim mình để nhìn thấy thế giới.

Câu chuyện đầu tiên: “Những nẻo đường đời” cũng là câu chuyện dài nhất kể về cuộc đời của ba mẹ con: Hélène, Pervenche và Clémence, trải dài suốt câu chuyện là những hoài niệm về quãng đời trước đây, khi cả ba người họ sống chung ở một con phố nhỏ ở Mexico, mỗi người đều có thế giới, bí mật riêng của mình. Khoảng thời gian sống chung ấy của họ chính thức khép lại khi Pervenche bỏ nhà theo người bạn trai du đãng của mình để rồi bị cuốn vào cái hố đen của cuộc đời, “rơi tuột vào trong, và tuyệt vọng không có gì hay người nào ngăn được bạn khỏi ngã cho đến khi bạn đã nằm dưới đáy, nằm bệt dưới đáy..”

Các nhân vật nữ trong những câu chuyện trong cuốn sách đều trải qua những cuộc phiêu lưu, những biến cố mà dù họ có chuẩn bị trước hay không đi chăng nữa. Họ đều mang trong mình những ước mơ, khao khát. Đó có thể là sự thôi thúc của những chuyến du hành (Mộng phiêu du), sự an ủi về một tổ ấm (Kalima), hay niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn (Gió phương Nam). Với những câu văn trữ tình, nên thơ, du dương như một bản nhạc Le Clézio dẫn dắt người đọc qua những miền đất và đi vào tâm trí của các nhân vật: “Cả nỗi cô đơn nữa. Có lẽ tất cả manh nha từ đấy, theo cách một con giông sắp sửa ập về, che kín bầu trời, mà người ta không biết nó sẽ đi đâu, đến tận nơi sâu thẳm nào.”. Ông luôn gieo vào lòng người đọc niềm hy vọng, và cả những niềm đau sẽ dần lãng quên: “Thời gian trôi đi. Bạn nói bao điều, bạn sầu muộn và bạn nghĩ mình chết đi được vì chúng, rồi một vài năm sau, đó chỉ còn là một kỷ niệm.”

Cả cuốn sách được bao bọc trong một nỗi buồn dịu dàng nhưng không hề có chút nào tuyệt vọng. Với Clézio, những chi tiết trữ tình và bầu không khí dường như quan trọng hơn cốt truyện và nhân vật, ông đưa người đọc vào với những cảnh ông dựng nên cho cuốn sách của mình một cách nhẹ nhàng; vẽ nên bức tranh thực tế của những điều khắc nghiệt trong cuộc đời; và đặt ra câu hỏi thích hợp về sự điên rồ của chủ nghĩa thực dân và chiến tranh. Điều làm cho những câu chuyện của ông ấn tượng không chỉ là bậc thầy trong việc miêu tả và sử dụng ngôn ngữ mà còn cách ông lựa chọn chủ đề cho những cuốn sách của mình, trong đó ông từ lâu đã mạo hiểm hơn các đồng nghiệp của mình ở Pháp và cả những nơi khác. Ba mươi năm trước, khi “Sa mạc” – cuốn sách nổi tiếng nhất của ông – được xuất bản lần đầu tiên, di cư và tách khỏi thế giới tự nhiên là một vấn đề bức xúc xã hội. Bây giờ chúng đã trở nên nghiêm trọng trên toàn cầu. “Những nẻo đường đời và những bản tình ca khác” tiếp nối những chủ đề ấy, khi ông nhấn mạnh vào những hành trình và những chuyến ra đi.

Năm 2008, khi viện hàn lâm Thụy Điển vinh danh Le Clézio với giải Nobel văn chương đã vinh danh ông là “Tác giả của những khởi hành mới, những chuyến phiêu lưu đầy thi vị và sự ngất ngây nhục cảm, người đã khám phá ra tính nhân văn vượt ngoài và ẩn sâu dưới nền văn minh đang ngự trị.” Những khởi đầu mới trong “Những nẻo đường đời và những bản tình ca khác” không chỉ là sự di chuyển về mặt địa lý, mà còn là sự khám phá những góc sâu kín nhất của tâm hồn, một nơi bí ẩn với bao điều ẩn giấu mà ta chưa bao giờ hiểu thấu.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.