Hãy đi đặt người canh gác – Xuất phát điểm đáng thất vọng của một kiệt tác

Ra đời sau “Giết con chim nhại” hàng chục năm, tiểu thuyết mới của Harper Lee ngay khi ra đời đã gây xôn xao cho bạn đọc cũng như nhà phê bình. Hai câu hỏi lớn mà bất kỳ ai cũng đặt ra cho “Hãy đi đặt người canh gác” đó chính là: nó có xuất sắc như “Giết con chim nhại” không và nó có làm được những điều lớn lao như “Giết con chim nhại”? Có lẽ bởi sự kỳ vọng quá lớn ấy, “Hãy đi đặt người canh gác” không thể vượt qua cái bóng của cuốn sách kinh điển khi khiến tôi thật sự thất vọng, tuy cuốn sách vẫn có những điểm sáng nhất định.

“Hãy đi đặt người canh gác” mở đầu với chuyến đi của Jean Louise (Scout) Finch, lúc bấy giờ đã là một sinh viên đại học, trở về Maycomb, thị trấn quê hương từ New York, bối cảnh câu chuyện xảy ra sau “Giết con chim nhại” hơn mười năm, và người đọc – cũng như Scout – sẽ ngỡ ngàng với bao sự đổi thay nơi đây, những nhân vật mới, sự biến mất của những nhân vật cũ mà ta hằng yêu mến, và đặc biệt là Atticus lúc này đã 72 tuổi, vẫn luôn là một người cha chính trực, ngay thẳng nhưng đã bắt đầu rệu rã cả về thế xác lẫn tinh thần, và phải chăng đã đổi màu lòng tin của bản thân khi trở thành một kẻ phân biệt chủng tộc và không tin vào quyền bình đẳng của người da đen với người da trắng. Cuốn sách như một câu chuyện về sự trưởng thành khi Scout nhận ra những gì mình vẫn tôn thờ chợt vụng vỡ dưới chân như lời của chú Jack nói với cô: “Khi cháu lớn lên, khi cháu trưởng thành, cháu đã lẫn lộn Thượng Đế với bố cháu mà cháu không hoàn toàn ý thức điều đó. Cháu chưa bao giờ nhìn ông ấy như một con người với một trái tim người, và những khiếm khuyết của con người…. ông ấy ít phạm sai lầm, nhưng ông ấy cũng phạm sai lầm như mọi người trong chúng ta.”

Dù là phần sau của “Giết con chim nhại” nhưng “Hãy đi đặt người canh gác” thực chất là bản thảo đầu tiên của Harper Lee, cuốn sách bị từ chối và nhà xuất bản gợi ý bà hãy viết một cuốn sách khác với những nhân vật tương tự, nhưng thay vào đó hãy kể câu chuyện dưới góc nhìn của Jean Louise lúc nhỏ, và từ đó “Giết con chim nhại” ra đời.

Vì là bản thảo đầu tay, thậm chí có thể nói là một bản thảo chưa thật sự hoàn chỉnh nên “Hãy đi đặt người canh gác” chứa quá nhiều tham vọng, thể hiện ngay từ tiêu đề của cuốn sách: “Hãy đi đặt người canh gác” nếu đứng riêng lẻ thì gần như vô nghĩa, thực chất là câu lấy trong Kinh thánh Isaiah như một kim chỉ nam đạo đức cho những trái tim lầm lạc. Vì có quá nhiều tham vọng nên cuốn sách rơi vào thuyết giáo dài dòng với nhiều câu thoại lên lớp của các nhân vật với nhau dễ khiến người đọc chán ngán. Cách xây dựng nhân vật trong “Hãy đi đặt người canh gác” khiến tôi cảm giác có phần phản cảm khi Scout đã trở thành một cô gái nóng nảy, liên tục lật đổ bàn, hắt cà phê vào người đối diện. Và vì quá nhiều đoạn Harper Lee muốn đưa những tư tưởng về phân biệt chủng tộc khiến câu chuyện trở nên rời rạc và gần như biến thành một cuốn sách rao giảng đạo đức thay vì một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện rõ ràng.

Dù vậy, Harper Lee vẫn thể thiện sự tha thiết và hồn hậu của mình khi gửi gắm tình cảm của mình vào các nhân vật. Đặc biệt những đoạn kể chuyện Scout lúc nhỏ cùng người anh Jem, và đoạn Scout đến thăm lại Calpurina, người giúp việc người da đen đã ở cùng cô suốt những năm thơ ấu. Những đoạn ấy thật sự rất tình cảm, chân thực và chắc chắn sẽ khiến người đọc lay động. Có lẽ vì nhận ra những điểm sáng trong bản thảo đầu tay này, nhà xuất bản đã khuyên Harper Lee khai thác thêm những câu chuyện trên và viết thành “Giết con chim nhại”.

Có thể nói “Hãy đi đặt người canh gác” thật sự đáng thất vọng và chưa đủ để trở thành một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh, nhưng sự ra đời của nó thật sự là cần thiết, để gieo vào lòng những tác giả trẻ niềm tin về việc có thể bản thảo đầu tay không hoàn chỉnh nhưng nếu biết cách cắt gọt và phát triển những thế mảnh của mình, ta có thể biến nó thành một kiệt tác đáng nhớ như cách “Hãy đi đặt người canh gác” trở thành kiệt tác “Giết con chim nhại”.

 

Ghi chú: hình đại diện của bài là của Tom Clohosy Cole vẽ minh họa.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.