Câu chuyện vô hình và Đảo là tập hợp các tiểu luận triết học của Hamvas Bela được ra mắt vào năm 1943, trước khi ông nằm trong danh sách bị cấm viết và ra sách tại Hungary.
Thời gian đầu, khi NXB Tri Thức cho ra cuốn Câu chuyện vô hình và Đảo, được một người bạn say sưa tâm sự về cảm nghĩ và sự trăn trở dành cho cuộc sống này, tôi đã bị lôi cuốn vào niềm thôi thúc mãnh liệt, phải tìm mua ngay cuốn sách này. Và dẫu cho tôi biết thế giới này rộng lớn đến mức không thể đếm được, thì điều khiến tôi cảm thấy bất ngờ là cái sự rộng lớn này, nó bao hàm luôn cả việc, tôi đã luôn hiểu sai về nó. Cái giá trị tinh thần của sự sống vũ trụ, nằm trong cuộc sống của mỗi người, là sự thật vô hình trong mỗi tiểu luận. Và thú thật, với hàm lượng kiến thức quá rộng lớn trong cuốn sách, những khái niệm từ nền văn hóa cổ như siêu hình học, lý thuyết số học, văn thơ, nhạc họa, ký tự học, khai thác bản chất linh thiêng của con người… thì tôi không thể hiểu hết những điều mà tác giả muốn truyền tải, dẫu là qua ngòi bút dịch thuật sắc sảo, khả năng truyền tải bậc thầy từ ngôn ngữ Hungary qua tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Hồng Nhung. Có thể nói, tôi gần như cảm thấy bất lực trước tầm vóc của cuốn sách này.
Từng tiểu luận là từng mảnh đất khai phá mới, bí ẩn và đầy bất ngờ, qua cách Hamvas Bela nói về vũ trụ trong thời đại mới, cách con người ta phải thích nghi với nỗi cô đơn vì sự trỗi dậy của đám đông trong “Thời kỳ Bảo Bình”, là 1 trong 14 tiểu luận của cuốn sách. Đây là tiểu luận mà có thể giúp tôi giải mã một phần những hiện tượng đang xảy ra ngày nay. Đây là thời kỳ mà Le Bon đã từng nói, sẽ có sự soán ngôi của hoạt động ý thức cá nhân, thay vào đó là sự trỗi dậy của hoạt động vô thức của đám đông. Những lý thuyết tâm lý học phổ quát của Le Bon hay Levy Bruhl đã từng tuyên bố, người đọc sẽ tiếp tục gặp lại trong chương này.
“Nếu ngày hôm nay Marx, Engels, Lassalle hoặc bất kỳ ai trong đám cách mạng đó tỉnh dậy, nhìn xem cái gì đã xảy ra, đã thức tỉnh đám đông như thế nào, chắc chắn những người này sẽ đắm chìm vào suy nghĩ ‘Tôi quả thật không nghĩ nó sẽ như thế này’. Đám tông đồ đều đã từng tin tưởng thiên thần sẽ thức tỉnh đám đông. Ngày nay giá họ nhìn thấy là không hề như vậy. Quái vật đã thức tỉnh thì đúng hơn”.
Đây là thời kỳ mà, để được chấp nhận, chính xác là thừa nhận, không chỉ trong cuộc sống hữu hình, mà còn trong tâm linh, những cá nhân có tư duy và hoạt động tỉnh táo bắt đầu phụ thuộc vào sự vô thức và hỗn loạn của đám đông. Cuộc đấu tranh giai cấp cũng chỉ là một hiện tượng bề mặt, bởi thực chất nó không khác là cuộc đấu tranh giữa ý thức ý thức tỉnh táo và vô thức mù quáng. Sự tuyệt vọng chỉ bắt đầu khi cái ở trên bắt đầu chìm xuống dưới và cái ở dưới tìm cách leo lên trên. Con bò nếu kéo xe thì sẽ là con vật thiêng liêng, nhưng khi vứt cái tròng cổ, bay lên trời như một con rồng, phun lửa và ngạo mạn thì những thửa ruộng sẽ bị thiêu ruội. Còn thiên thần, nếu rơi xuống đất thì sẽ biến thành quỷ. Vô thức ở dươi, nổi lên trên sẽ biến thành ma quỷ, nó cũng nguy hại như ý thức rơi xuống dưới. Và con người ngày xưa, và tận ngày nay vẫn tin rằng, cần phải có sự công bằng, cần phải trao cho con bò một phần thưởng xứng đáng với công sức kéo ruộng của nó. Và khi xáo trộn trật tự của sự phân công lao động, khi đặt bụng lên vị trí của đầu, thì đây là dấu hiệu thống trị đầu tiên của đám đông: ưu tiên vật chất, thức ăn, kinh tế.. Khi không no, thì con vật sẽ đi ăn cướp và hạ gục những ai đến gần.
Những cách diễn giải của ông khiến cho tôi nhận ra, thay vì chọn cách dùng lý lẽ để tranh luận với người khác, nếu như tôi cũng có khuynh hướng muốn chiến thắng người khác với cái tôi kiêu hãnh, thì tôi nên tự đối thoại với chính mình, sự hơn thua hay tán thưởng của người đời không quan trọng, mà chính là kiến thức và những cuộc quan sát vào sâu trong tâm hồn.
Khi đọc cuốn sách này, tôi cũng đã có một trải nghiệm khá tuyệt là quá trình giải mã ý nghĩa của Sự đau khổ, trong chương “Milarepa”, một trong bốn vị thánh vĩ đại thực hành thiền quán Tây Tạng. Người đã học và sử dụng thành thạo thuật phù thủy hắc đạo, nhưng với mục tiêu được chạm vào giới hạn cao hơn của con người, ông đã đi tìm một người thầy mới để tiếp cận tri thức khác, một lãnh địa đi tìm sự hoàn hảo của cuộc đời, nơi mà tất cả hữu hạn sẽ trôi qua, chỉ còn lại thứ mà ma quỷ không thể nào giết nổi, đó là cái tôi tinh thần vĩnh cửu. Để được như thế, ông ta phải chấp nhận trải qua đau khổ, vạn lần đau khổ, để đau khổ tự thấm vào chính cơ thể và linh hồn của mình. Một phút giây đau khổ duy nhất không vì bản thân nó. Việc chịu đựng đau khổ là để có thêm hạnh phúc, do đó sự đau khổ không vô nghĩa.
Có một cách để cho người đọc nhớ đến cuốn sách nhiều nhất, là hãy tạo điều kiện để họ hỏi thật nhiều, và Câu chuyện vô hình và Đảo đã làm rất tốt điều đó. Tôi đã không ngừng hỏi về sự tồn tại của nỗi đau khổ, chẳng phải chúng ta sống với mục tiêu là được hạnh phúc? Và dẫu cho biết rằng nỗi đau khổ không thể tách khỏi niềm vui, nhưng cho đến khi đọc Milarepa, tôi còn tìm thấy điều mà tôi đã từng hiểu sai về nó. Con người là thực thể nhạy cảm với sự đau khổ. Nhiều người đã biết. Nhưng hơn cả, điều mà Nietzche đã từng tiết lộ, rằng con người cần có nhiệm vụ tìm kiếm sự đau khổ mỗi lúc thêm đa dạng và sâu sắc nhất, để trở nên xứng đáng với một đời sống cao cả hơn. Cao cả. Chính xác đây là từ mà tôi đã nghĩ rất nhiều. Sự cao quý của con người mà Milarepa đã từng trải qua đó sao? Đó là gánh chịu số phận của bản thân. Một khi đã chấp nhận bước vào cuộc đời, thì người đó buộc phải biết và nhìn thấy: cuộc sống là đau khổ, và đó là sự sáng tạo của loài người. Đau khổ và không trốn tránh phần đời dành cho mỗi người.
Xem việc viết là thực hành kỷ luật sống, Hamvas Bela đã không ngừng tìm tòi và nghiên cứu những hiện tượng trên hành tinh này, tự chất vất và giải mã chúng bằng kiến thức và ngôn ngữ, cách diễn đạt của ông, được thể hiện gãy gọn, súc tính, chọn cách tiếp cận vấn đề bằng sự thẳng thắn (và trên cả thẳng thắn, là tinh thần khẳng khái, không dò xét), từng đoạn nhỏ trong từng tiểu luận đã tạo ra một cây cầu bắc ngang giữa người viết và người đọc một mối giao cảm về niềm tin sâu sắc cho cuộc sống, những ưu tư và cả những hi vọng, dù cách xa cả thế hệ. Tôi tin rằng nó sẽ thỏa mãn những bạn đã quen đọc triết học. Triết học chính là đời sống.
Trong tập tiểu luận này, có một chương kể về âm nhạc của Beethoven, người duy nhất không thể nghe được âm nhạc của chính mình. Hamvas Bela đã khơi mở về một thế giới siêu hình học, một thánh địa tâm linh trong âm nhạc Beethoven. Đây là một tiểu luận mà tôi đoán là rất nhiều người tò mò, vì ông là người nghệ sĩ vĩ đại của thế giới mà ai cũng biết. Nhưng Hamvas Bela đã tặng cho người đọc một bài viết âm nhạc có một không hai. Một điều gì đó vượt ra hẳn khỏi những hiểu biết bình thường của chúng ta. Ông biểu đạt âm nhạc của Beethoven là yoga âm thanh, là âm nhạc mang “tính titan”. Điều mà tác giả đã nhìn thấy ở vị nhạc sĩ bậc thầy này, chính là việc ông đã tự hành mình như thế nào để chống lại sự tự chiêm ngưỡng bản thân. Beethoven đã tạo dựng âm nhạc dành cho các hiện tượng vũ trụ cổ, và vì thế, thế giới âm nhạc của ông trở thành vũ khí, là công cụ thần chú, là sân khấu, là tri thức, là phép màu… Đây là phần tiểu luận rất khó tiếp cận, vì ngoài âm nhạc, Hamvas Bela buộc người xem phải chịu khó tìm hiểu những hiện tượng của âm thanh vũ trụ và thơ cổ Hy Lạp. Âm nhạc của Beethoven “là nỗi thanh bình không bị quấy rầy, là sự thông thái tươi tỉnh và là sự lặng im”. Và chỉ có Hamvas Bela mới là người tìm kiếm được những tiếng ngân trong lành đến sau cơn cuồng nộ và phong ba trong âm nhạc của Beethoven.
Câu chuyện vô hình và Đảo, cuốn sách thực sự là một con đường đi sâu vào bên trong của mỗi người, để đi tìm bản chất của việc tồn tại, sinh sôi, yêu thương, mất mát và khải huyền