Bọn Đạo Chích – Món quà cuối cùng của William Faulkner

Đến tận đến cuốn sách cuối cùng, khi đã có những trải nghiệm nhất định, William Faulkner mới viết một cuốn sách dành cho lứa tuổi mới lớn. Và có thể nói “Bọn đạo chích” là cuốn sách khác biệt nhất của ông.

Cuốn sách mở đầu bằng lời kể của Lucius Priest- hồi tưởng lại thời gian khi còn là một cậu bé 11 tuổi – về chuyến phiêu lưu của cậu cùng với hai người bạn vong niên – Boon Hogganbeck và Ned McCaslin – đồng thời cũng là những người phụ việc cho ông nội của cậu. Câu chuyện xảy ra khi ông ngoại của Lucius mất, ông nội cùng bố mẹ cậu phải đi vắng ít nhất 3 ngày để dự đám tang, lúc này Boom – người lái xe mới nảy ra ý tưởng dùng chiếc xe hơi đến thăm những người bạn của mình ở tận Memphisvà lôi kéo Lucius cùng đi mà cả hai không hề biết rằng Ned đã lẻn lên xe. Phải hiểu bối cảnh câu chuyện lúc bấy giờ là vào năm 1905 khi những chiếc xe hơi vẫn là điều gì đó diệu kỳ khó lý giải và chỉ những người giàu có mới có thể sở hữu nó, cũng thật dễ hiểu khi Boon bị chiếc xe cuốn hút và tò mò muốn biết nó sẽ đưa họ đến tận đâu.

Và từ đó, chuyến phiêu lưu của họ bắt đầu, đối với cậu bé Lucius đó là những biến cố xảy ra đầu tiên trong cuộc đời của cậu, mà khi nhớ lại, cậu biết đó là khi cậu đánh mất đi sự ngây thơ của mình. Rất nhiều lần trong cuốn sách, Lucius tỏ ý muốn quay về, và cậu biết cậu có thể dừng toàn bộ câu chuyện này lại, nhưng cậu không muốn thế, dù cậu vẫn thấy dằn xé và cho rằng việc mình làm bị xúi giục bởi cái “phi đức hạnh”. Từ một vụ đánh cắp xe hơi, Lucius lọt vào ngôi nhà của những cô gái làng chơi, rồi bị cuốn vào cuộc đổi chát, bất đắc dĩ trở thành một tay đua ngựa. Cuộc phiêu lưu của Lucius luôn tràn ngập những tình huống bất ngờ là từ đó người đọc thấy được những chuyển biến tâm lý và sự trưởng thành của Lucius: “Ta đã biết quá nhiều, đã thấy quá nhiều. Bây giờ ta không còn là đứa trẻ nữa; lòng trong trắng và tuổi thơ đã mất vĩnh viễn, đã vĩnh viễn bỏ ta.” Nhưng Faulkner vẫn không khiến người đọc quên rằng Lucius cũng vẫn chỉ là một cậu bé 10 tuổi, và những sự việc diễn ra vẫn là quá sức đối với cậu: “ta muốn thay một bộ quần áo mới và có thời gian nghỉ ngơi, như ở nhà, thơm mùi ngăn kéo yên bình, hồ cứng và lơ xanh”.

Trái với những cuốn sách khác của Faulkner, “Bọn đạo chích” không có những câu văn dài theo kiểu dòng ý thức mà ông hay sử dụng, cũng không có cách chuyển đổi góc nhìn giữa các nhân vật, vì vậy có thể nói cuốn sách khá lôi cuốn, dễ đọc, không hề khiến người đọc hoang mang, khó hiểu. Mối quan hệ giữa Lucius, Bon và Ned dễ khiến bạn đọc liên hệ với Tom Sawyer và Huckleberry Finn của Mark Twain. Câu chuyện của Faulkner không chỉ là câu chuyện về một cậu bé đối diện với những thứ xấu xa của cuộc đời để rồi lớn lên mà còn thấm đẫm tình người, nhắc lại bối cảnh của cuốn sách là vào năm 1905, khi sự phân biệt chủng tộc vẫn còn rất sâu sắc ở Mỹ, thì cách Lucius đối xử với những người da đen vẫn tràn ngập tình yêu và vô cùng bình đẳng, cậu đối xử họ với sự tốt bụng, ngây thơ của một đứa trẻ như đó là việc tự nhiên nhất trên đời, như thể không có sự khác biệt gì về màu da.

William Faulkner trong cuốn sách cuối cùng thể hiện một mặt hoàn toàn khác cho những trang viết của mình: sự hài hước và duyên dáng, không còn bóng dáng của nỗi tuyệt vọng trải dài như những cuốn sách khác. Người ta hay nói đùa (nhưng cũng có phần nào sự thật) rằng Faulkner là nhà văn Mỹ nổi tiếng nhất với rất nhiều tác phẩm được nhiều người biết tên nhưng không ai đọc, có lẽ bởi cách viết phức tạp của ông. Vì vậy, dù “Bọn đạo chích” là cuốn sách cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của Faulkner nhưng sẽ là sự bắt đầu hoàn hảo cho những ai muốn khám phá thế giới đầy kỳ lạ trong những tác phẩm của ông.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.