
“Suốt cuộc đời, người ta im lặng về điều quan trọng nhất.”
D i sản của Eszter là một cuốn sách đặc biệt của Marai Sandor, bởi vì cuốn sách được ra đời vào thời điểm Thế chiến 2 vừa bắt đầu diễn ra, đây là thời kỳ Hungary đang mất ổn định, nền kinh tế suy sút và kéo theo nhiều hậu quả nặng nề mà cuộc sống bình dị của con người phải gánh chịu. Nhưng nỗi đau lớn nhất mà con người phải gánh chịu đó là sự gãy đổ về niềm tin, trong đó nhân danh tình yêu, “con người bị ràng buộc vào những kẻ thù”.
Cuốn sách kể về một người phụ nữ trung niên cô đơn, đang sống ẩn dật trong một ngôi nhà ẩm thấp, giữa những người bạn hàng xóm tốt bụng. Một ngày kia, bà nhận được tin báo về sự trở về của một người đàn ông duy nhất mà bà yêu thương, Lajos, người anh rể đáng thương của bà. Người đàn ông đã lấy đi của bà tất cả trước khi bỏ đi 20 năm trước. Giờ đây, khi Lajos cùng hai đứa con của ông ấy quay trở lại ngôi nhà để vớt vát một chút gia sản còn sót lại của Eszter. Hai con người với hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Một Eszter lặng lẽ, sống đúng mực và luôn sẵn lòng hi sinh cho người khác, không nghĩ đến những mất mát và khổ hạnh mà mình đang gánh chịu, và một Lajos quyến rũ, lọc lừa và không còn mảnh tự trọng nào. Không phải là những mâu thuẫn nhỏ lẻ để tạo ra sự cao trào, mà là điểm xung đột chính giữa hai con người đang đối diện nhau ở ranh giới của niềm tin. Sự xung đột giữa hai tính cách được miêu tả một cách giản dị, mềm mại của Marai Sandor, từ đó bi kịch thấm vào bên trong cuốn sách. Tình yêu trong Di sản của Eszter lướt sóng mềm mại qua từng con chữ. Marai Sandor đã kéo số phận của nhân vật ra bằng lối miêu tả điềm tĩnh của mình: “Lajos có vẻ buồn. Nỗi buồn của một tay phó nháy, hoặc một chính trị gia về già không theo kịp thời gian, chẳng học được thêm mưu mẹo gì, đành dừng lại với thói quen cũ kỹ, cổ hủ. Hoặc có vẻ gì đó của một tay nuôi dạy thú về già, không còn uy phong với lũ thú dữ nữa…”.
“Cuộc đời đã tặng cho tôi một món quà tuyệt vời và sẽ cướp đi một cách hoàn hảo”
Marai đã đưa Eszter đã rơi vào cuộc chiến đặc biệt, một mối quan hệ mà cuộc sống trong quá khứ vẫn được duy trì dai dẳng đến tận khoảnh khắc cuối cùng. Nhưng Marai Sandor đã gói gọn mọi xung đột chỉ trong không gian duy nhất, đó là ngôi nhà của Eszter. Còn thời gian, “Thời gian đã vẽ những nếp nhăn nho nhỏ xung quanh mắt và miệng tôi, đôi tay không còn như xưa, hơi thô sần vì công việc. Vậy mà tôi vẫn thấy mình như một người đàn bà đang ngóng chờ người tình”. Thời gian được Marai sử dụng không chỉ là một minh chứng tuyệt vời để giúp làm rõ bản chất con người Lajos và mối quan hệ mà anh dành cho Eszter. Mà thời gian còn đóng vai trò ở đây như một nhà ngục đã nhốt Eszter trong những lời nói dối mà tự bà dành cho chính mình. Mối tình tuyệt vọng và những kỷ niệm đã nhốt bà vào một khoảng thời gian dai dẳng, bà chờ đợi ở Lajos một lời giải thích. Ngay cả chiếc nhẫn giả mà Lajos đưa cho bà, bà cũng giữ đấy và nâng niu như một món quà thực sự, dù đằng sau chiếc nhẫn đó là cả một chiêu trò lừa dối không thể tàn nhẫn hơn. Cứ tưởng là khi đã lớn tuổi, sống ở thành phố với hai đứa con, bằng tài sản của gia đình Eszter trước đây mà ông ta lừa lọc và chiếm đoạt, thì tình yêu 20 năm bặt vô âm tính của bà khi quay trở lại, cấp độ hèn hạ và tham lam của anh ta không hề suy giảm mà còn tăng thêm bội phần. Những gì rõ ràng nhất trong tâm trí của Eszter có lẽ chỉ thuộc về quá khứ và những lời nói dối điệu nghệ mà Lajos đã rải xuống cho bà và gia đình bà, điều đó tạo ra một màn nhung đã ru êm cảm xúc cùng những mơ tưởng về một cuộc tình lãng mạn, nhưng trong câm lặng. Tôi có cảm giác Eszter thực sự đã muốn và hạnh phúc với điều đó.
Cuốn sách của Marai đã sử dụng thời gian như một thủ thuật để đánh lạc hướng độc giả, một mối quan hệ trong dĩ vãng tưởng đã an bài hóa ra vẫn còn là một mối quan hệ. Cho đến khi Lajos trở về, bà lo lắng, suy nghĩ nhiều, cảm thấy bất an về những gì sắp tới, khoảnh khắc đó đã đưa bà trở lại cuộc sống. Eszter đã từng ý thức được rằng “Tôi còn điều gì để chờ đợi nữa đây” khi biết mình đang đến gần với cái chết. Nhưng kỳ thực là bà lại đang rất chờ đợi thường tự hỏi mình những gì sẽ đến sắp tới đây, khi bà biết rằng cái chết đang đến rất gần. Cho đến phút cuối, người đọc nhận ra di sản duy nhất của Eszter chính là những lá thư mà Lajos viết cho bà, đau đớn hơn khi đó không phải là ngôi nhà, mảnh vườn là gia sản mà cha bà để lại. Là những lá thư, chữ viết, những lời nói yêu thương của Lajos chính là cái cuối cùng bà đem theo bên mình. Cuốn sách đưa tôi quay về với mệnh đề tất yếu trong cuộc sống: Rằng khi ta sắp chết, thì người ở lại trong tâm trí cuối cùng của mình là ai, đó sẽ là người mà ta nguyện dâng hết mọi thứ còn sót lại cho người đó, có phải như vậy không?
“Yêu một người nào đó thôi không đủ. Mà cần yêu một cách dũng cảm. Cần phải yêu, để làm sao cảm giác vụng trộm hay ý định chống phá luật pháp của quỷ thần hay trần gian cũng không ngăn cản được tình yêu ấy”
Di sản của Eszter was originally published in Đọc Sách on Medium, where people are continuing the conversation by highlighting and responding to this story.