Ta sẽ làm gì nếu một ngày tỉnh dậy và không còn biết mình là ai, không còn nhớ khuôn mặt của mình trông như thế nào vì nó đã bị cháy xạm đi mất? Ta nằm đó chờ cho đau đớn qua đi dưới thứ ánh sáng le lói bám đầy mùi chiến tranh? Hay ta sẽ trông đợi cái thứ chất lỏng mang tên Morphine sẽ làm cho những mãnh vụn kí ức được nối liền trong một phút giây ngắn ngủi? Trước mắt chúng ta không còn gì cả, tất cả đều đã bị thiêu đốt, thân xác, tên tuổi, và cả kỉ niệm…
Đó là những dấu vết còn đọng lại trong tâm trí tôi sau khi đặt cuốn sách Bệnh nhân người Anh xuống bàn. Một tác phẩm viết về chiến tranh nhưng lại mang dáng dấp của một vần thơ.
Quả thực, vần thơ này đẹp quá, xúc tích quá, đến nỗi nó có thể gói gém tất cả những thứ to lớn (theo tôi) mà người ta đã gọi tên trên đời như: tình yêu vụng trộm, sự phản bội, lòng căm thù, tình yêu dân tộc… Phải chăng đó là những “vật” mà người ta có thể thấy rõ ràng nhất trong chiến tranh, vào những thời khắc mà con tim phải làm việc để bảo vệ lý tưởng của mình dù đó là gì đi chăng nữa.

Có nhiều câu truyện trong tác phẩm này nhưng điều duy nhất mà tôi sẽ không thể quên đó chính là hình ảnh cô nàng y tá ở tuổi đôi mươi ngày ngày chăm sóc cho ông người Anh trong một biệt thự Ý đổ nát vì bom đạn và đọc cho ông nghe những trang sách. Đến lượt chính những trang sách đó đã cứu rỗi cuộc đời buồn đau của cô khỏi những mất mát mà cô đã gánh chịu. Chúng đã cho cô một sự giải thoát đẹp đẽ.
“Trong đời nàng, đây là lúc nàng tìm thấy sách như cánh cửa duy nhất thoát khỏi căn phòng giam của mình. Sách trở thành nửa phần thế giới của nàng”
Họ giao tiếp bằng sách, bằng những câu truyện đã được kể đi kể lại hàng trăm lần. Điều này thật quá tuyệt vời không phải sao? Đôi khi ngôn từ thốt ra từ môi miệng không thể nào diễn đạt hết được mọi điều ta nghĩ. Hoạ chăng chỉ có thể bôi vẽ được vài nét nông cạn bề ngoài mà xã hội đã gán ghép cho những khuôn mẫu, những hình thể phổ biến của ý tứ. Sách quả là một liều thuốc quan trọng đã cứu rỗi (những) cuộc đời.
Thật không ngoa khi nói rằng Michael Ondaatje đã rất thành công trong việc gieo vần cho bài thơ chiến tranh này. Những kí ức đẹp đẽ, dữ dội, đan xen từng hồi giống như vừa xảy ra ngày hôm qua. Có lẽ chính vì vậy dấu ấn chiến tranh dưới ngòi bút của nhà thơ người Sri Lanka đã trở thành thứ gì đó thật đẹp đẽ khác xa với những gì mà người thường chúng ta có thể hình dung ra.
Tôi chưa từng đụng vào một cuốn sách nào nói về chiến tranh mà lại “đẹp” như thế này sau Kẻ Trộm Sách. Đôi khi kí ức chỉ là một tảng bụi mờ bên cửa sổ lâu ngày không đụng tới, đôi khi nó lại giống như một cơn giông bão dồn dập…

Người yêu sách đã sáng lập Đọc Sách.