Một Gánh Xiếc Qua (Patrick Modiano) – Một Cảm Thức Về Qui Hồi Vĩnh Cửu

Ngay khi vừa chạm gót vào hiện tại, mọi sự sau lưng thoáng chốc từng vững chắc nay bỗng sụp đổ và biến tan thành cát bụi. Chỉ còn lại dư âm làm lung lay hiện tại một dự cảm về đổ vỡ, dự phần vào bồi đắp quá khứ khi sắp sửa bước vào tương lai. Hiện tại mong manh ấy luôn được diễn tả rất đạt trong tác phẩm của Patrick Modiano. Các nhân vật của ông cứ dấn bước để chạy trốn hiện tại bởi những đeo đẳng của quá khứ nhưng sau đó luôn quay lại để kiếm tìm di cốt phần đời đã mất của mình trong một nỗi luyến tiếc pha niềm ân hận. Đoàn người diễu hành qua cuộc đời mang ngoại hình từa tựa nhau, các sự kiện lặp lại trong một không khí hồi cố khiến ta cảm tưởng như chỉ có một số người thay tên đổi vai trong một chuyến lưu diễn. Khi nhìn lại đời mình, ta chợt thấy thấp thoáng đoàn người ấy trong Một gánh xiếc qua.

Tác phẩm này của Patrick Modiano như một mảnh ghép hoàn hảo vào bộ ba cùng với Quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối và Từ thăm thẳm lãng quên. Đến cuối quyển tiểu thuyết, ta chỉ biết biệt danh của nhân vật tôi là Obligado còn tên các nhân vật khác cũng như những nhãn dán mau chóng được bóc khỏi họ trong một quãng đời nhất định. Gọi tên chỉ là một cách định vị tạm thời, để đặt ẩn cho một bài toán cuộc đời chưa bao giờ lí giải được, để trói sợi dây đời của kẻ này vào kẻ khác. “Anh có thật lòng tin rằng một cái tên và một địa chỉ là đủ, sau này, để lần lại một sợi dây đời?”. Thế nên, nhân vật tôi luôn muốn xác minh rằng mọi trải nghiệm này đều là thật bởi mọi sự đều mơ hồ như một giấc mơ, như thể bơi trong bể nước của ảo ảnh. Các địa điểm xuất hiện để neo đậu lại bóng dáng của những con người từng đi qua nó. Bởi vì con người, xét cho cùng, là thứ dễ đổi thay hơn cả. Hôm nay anh gọi nàng là Gisèle nhưng biết chắc rằng không thể tìm thấy số điện thoại hay địa chỉ nàng trong một sổ căn cước nào cả. Mọi sự đều ngẫu nhiên và không chắc chắn. Obligado và Giesèle lướt qua nhau trong một phòng thẩm vấn và bỗng nhiên anh có ý muốn chờ cô ở một quán cà phê không hẹn trước. Anh chờ với một niềm tin kì lạ: “Thế nếu cô gái đi về hướng ngược lại, tức là xuôi về phía Pont – Neuf, thì sao ? Nhưng điều này, thậm chí tôi còn không nghĩ đến”. Các nhân vật ở đây luôn muốn gắn kết với những kẻ xa lạ, để bứt ra khỏi cuộc đời của mình mà nối nó vào với tha nhân. Các nhân vật của Patrick Modiano luôn có một sức hút mãnh liệt với sự ngẫu nhiên, sự tức thời, sự chuyển dịch và thật sự tin vào nó như thể định mệnh: “Nhà ga không còn hoạt động nhưng ai biết đâu được: chuyến tàu đi Rome có thể đi qua, vì nhầm lẫn, và dừng lại vài giây, vừa kịp để chúng tôi lên một toa”.

Và rồi, chàng trai đưa cô về nhà mà một tháng sau nữa thôi sẽ không còn ở đó nữa. Mọi thứ trong tác phẩm đều có ý nghĩa tạm thời và cảm thức về mất mát. Chính nhân vật tôi cũng không biết tại sao mình lại làm vậy, tại sao mình phải tham gia vào cuộc đời của kẻ mà mình không hề hay biết. Nhưng yêu một người là chấp nhận sống với bí mật của họ. Rồi dần dần, tấm màn quá khứ của đời cô hé lộ, anh theo cô qua khắp nơi trong thành phố mà trước đó cô ở để “…tìm cách thu nhặt những mảnh rải rác của một cuộc đời”. Các nhân vật luôn xuất hiện với một tấm màn đen che phủ quãng đời trước đó. Các mảnh kí ức vỡ ra và được nhặt nhạnh bởi sự tìm lại tình cờ ở một vài nơi chốn cũ kĩ. Khi gặp một người ta luôn tự hỏi họ từng là gì trước khi trở thành như ngày hôm nay và sợ rằng ngày mai họ sẽ không còn như hôm nay nữa. Họ hiểu rõ rằng cuộc đời có thể thay đổi ra sao chỉ sau một biến cố khi chính họ tham gia vào một vụ “bắt cóc” kì lạ một người đàn ông không quen biết. “Một người đàn ông đã rời khỏi hai người và nói với bạn: ‘Hẹn lát nữa nhé’. Ông ta bị đưa lên một chiếc xe chạy về phía sông Seine. Còn chúng tôi là những chứng nhân cũng vừa là tòng phạm”. Chỉ sau vài ngày, các gương mặt từng xuất hiện trong đời họ hai ngày trước biến mất như thể chưa từng tồn tại.

Các nhân vật khác lần lượt diễu qua vở kịch như Grabley, Ansart, Jacques, Martin làm gợi nhớ đến quãng đời tuổi thơ lúc còn ở cùng cha. Một số ám ảnh về tuổi thơ luôn trở đi trở lại trong tác phẩm của ông như hình ảnh những chiếc va li, giấy tờ không rõ nguồn gốc, nhà hát (mẹ ông là một nghệ sĩ), vũ nữ,…Ta luôn tìm thấy cảm thức về Qui hồi vĩnh cửu rõ nét trong tác phẩm của ông. Mọi thứ như một cuộn băng được tua lại và bỗng rè mờ đi ở vài đoạn. Cứ như luôn mùa hè, những ngày thứ Bảy, những ngày Chủ nhật, cùng một không khí đó, chỉ có người đi bên cạnh là đã khác. Nhân vật luôn cảm thấy mình bị những thế lực kì lạ xô đẩy mà mạnh mẽ nhất là thời gian. Khi kể, nhân vật như thể lẫn vào các điểm nhìn thời gian khác nhau: “Vài năm về sau tôi sẽ rành khu phố này hơn và tôi đã nhiều lần đi qua trước tòa nhà nơi chúng tôi đến gặp Ansart, đêm hôm ấy[…]…thay vì làm cho hình ảnh quá khứ trở nên gần gũi và rõ ràng hơn, chúng lại tạo ra một cảm giác xé ruột về những mối dây bị cắt đứt và về sự trống rỗng”. Cả hiện tại, quá khứ và tương lai đồng hiện trong cùng một câu văn miêu tả về một kỉ niệm.

Một gánh xiếc qua là giai điệu đặc biệt, u buồn mở đầu cho bộ ba tiểu thuyết. Nó chất chứa đầy những cung bậc cảm xúc của tuổi trẻ khi bước vào một thế giới nhiều xa lạ với ám ảnh. Đằng sau những biểu đạt về thời gian, sự mất mát, tình yêu như một mạch sóng ngầm “dữ dội và dịu êm” đem lại cho người đọc niềm day dứt khó tả, một nỗi buồn mơn man như khí ete bốc lên cao và lan tràn trong không khí.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.